pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất bổ sung thêm quy định để siết dạy thêm, học thêm
![Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất bổ sung thêm quy định để siết dạy thêm, học thêm](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/7/nguyen-thanh-hai-1738900545421872994374-0-0-488-780-crop-1738900551908925476888.jpeg)
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải thảo luận
Tại phiên họp thứ 42, sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết: Với những quy định về điều không được làm (Điều 11), dự thảo Luật đã liệt kê ra những việc Nhà giáo không được làm. Tuy nhiên, những hành vi "không được làm" muôn hình vạn trạng trong cuộc sống, thời điểm này liệt kê trong Luật có thế đủ nhưng tương lai sẽ không còn đủ. Theo đó, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị có thêm điều khoản quy định để Chính phủ quy định chi tiết hành vi không được làm khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong Điều 11, dự thảo Luật quy định hành vi không được làm là: "Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức"; "Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật". Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng quy định về dạy thêm, học thêm được xã hội rất quan tâm.
Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn nữa, ngoài việc quy định không "ép buộc người khác tham gia học thêm dưới mọi hình thức" thì cần bổ sung thêm cụm từ "không được thu tiền". Bởi trên thực tế, nếu chỉ quy định không được ép buộc người học thêm" có nghĩa là người học có thể tự nguyện học thêm, viết bản cam kết tự nguyện học. Theo bà Thanh Hải, bổ sung quy định "không được thu tiền" thì sẽ triệt tiêu được hành vi lách luật "viết đơn tự nguyện học thêm".
![Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất bổ sung thêm quy định để siết dạy thêm, học thêm- Ảnh 1. Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất bổ sung thêm quy định để siết dạy thêm, học thêm- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/7/toan-canh-2-17389005453981874287936.jpeg)
Toàn cảnh phiên họp
Theo bà Thanh Hải, thực tế cuộc sống cho thấy, nhiều học sinh không muốn đi học thêm, nhưng không đi học thì bị phân biệt đối xử, tạo ra những áp lực tâm lý cho các em. Chính vì vậy, học sinh có tự nguyện đi học thì cũng "không được thu tiền" khi giáo viên thực sự muốn bồi dưỡng cho học sinh, làm sao để học sinh tiến bộ đồng đều.
Với trường hợp học sinh thực sự muốn học thêm, bồi dưỡng kiến thức thì có thể đến đăng ký học tại các trung tâm có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Thầy cô giáo có thể đến các trung tâm để đăng ký dạy học và thực hiện các nghĩa vụ tài chính, đóng thuế thu nhập cá nhân. Người học đến các trung tâm này có thể lựa chọn việc học thêm một cách bình đẳng.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Công tác đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với các quy định về quyền của Nhà giáo (Điều 8) và cho rằng, việc dự thảo Luật bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ - đây là bước tiến có tính cách mạng, góp phần phát triển công nghệ của nước ta. Sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ trong cac cơ sở đào tạo đại học như vườn ươm công nghệ có đóng góp chuyển giao khoa học công nghệ...
Với nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, Luật Viên chức đã có quy định các giảng viên có quyền góp vốn, tuy nhiên Điều 14 Luật Viên chức hiện hành quy định không được phép tham gia điều hành các doanh nghiệp, công ty… Để khắc phục vấn đề này, Dự thảo Luật đã sửa Điều 55 Luật Giáo dục đại học và đã có sự điều chỉnh.
Ông Lê Quang Huy cũng cho biết, hiện nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ đang trong quá trình rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền liên quan đến sửa hệ thống pháp luật phục vụ cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
"Chúng tôi đang bàn với các cơ quan thể hiện rõ quan điểm là các giảng viên được góp vốn và được tham gia điều hành các doanh nghiệp khởi nguồn. Thực chất, đây là các doanh nghiệp dùng tài sản trí tuệ là các kết quả nghiên cứu đưa ra thị trường để thương mại hóa sản phẩm, thể hiện rõ sự kết nối giữa viện, trường với các doanh nghiệp. Điều này cần được ủng hộ" - ông Lê Quang Huy nói.
![Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất bổ sung thêm quy định để siết dạy thêm, học thêm- Ảnh 2. Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất bổ sung thêm quy định để siết dạy thêm, học thêm- Ảnh 2.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/7/dai-bieu-2-17389005454124891788.jpeg)
Đại biểu tham dự phiên họp
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định "Những việc không được làm" tại Điều 11:
1. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo không được làm các việc sau:
a) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
b) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
c) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
d) Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
đ) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo
a) Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
b) Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo;
c) Các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.