Nhà văn Dương Thụy: Nhiều trẻ em bị tước quyền được sống đúng tuổi

06/04/2017 - 20:58
“Nhiều bé bị thúc ép phải sống vượt số tuổi của mình; bị ép học sớm, học nhiều, học trối chết” – Nhà văn Dương Thụy chia sẻ trước thềm buổi ra mắt bộ sách thiếu nhi đầu tay của mình.

SuSu và GoGo đi Paris, SuSu và GoGo đi Tokyo, SuSu và GoGo đi Singapore là bộ 3 tác phẩm mới nhất của nhà văn Dương Thụy. Đây là lần đầu tiên nhà văn Dương Thụy viết cho thiếu nhi. Trước thềm  buổi ra mắt bộ sách (vào ngày 8/4 tại Trung tâm Sách Kim Đồng, 248 Cống Quỳnh, TP.HCM), nhà văn Dương Thụy đã có những chia sẻ xung quanh bộ sách được chăm chút kỹ lưỡng về nội dung và mỹ thuật này.

 Bộ 3 cuốn sách thiếu nhi của nhà văn Dương Thụy

Ra sách thiếu nhi từ nhu cầu viết cho con mình đọc

Dương Thụy được xem là nhà văn bestseller của các độc giả trẻ, với những tác phẩm tạo cảm hứng lên đường, khát khao khám phá, học hỏi thế giới rộng lớn như: Oxford thương yêu, Nhắm mắt thấy Paris, Chờ em đến San Francisco, Venise và những cuộc tình Gondola, Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ... Nhưng lần này chị lại trình làng bộ 3 tác phẩm viết cho thiếu nhi cùng lúc. Tại sao lại có sự “bẻ cua” trong sáng tác như vậy, thưa chị?

- Từ lúc tôi mới có con gái đầu lòng tên Chouchou (tiếng Việt đọc là SuSu),  nhìn ngắm con gái lớn lên từng ngày, trong tôi đã luôn thôi thúc ước muốn viết truyện thiếu nhi cho con đọc. Nhưng bộn bề công việc và những cuốn sách viết cho người lớn, tôi chưa thực hiện điều này được. Rồi tôi có tiếp con trai tên GoGo. Hai chị em lớn lên bên nhau với bao nhiêu điều ngộ nghĩnh. Trong cách giáo dục các con, vợ chồng tôi luôn truyền suy nghĩ tích cực, tạo cho các con có hành động tích cực và quan trọng nhất là phải có một tuổi thơ hồn nhiên. Tôi thấy xung quanh các bậc phụ huynh khác rất “căng thẳng” trong giáo dục con, lúc nào cũng muốn con vượt lên bản thân, muốn con bay cao, bay xa một cách quá sớm và nhiều khi là không cần thiết. Nay SuSu đã 10 tuổi và GoGo 5 tuổi, nhu cầu đọc những cuốn sách đúng tuổi của các bé rất bức thiết mà trên thị trường sách thì đang thiếu. Tôi quyết định, đã đến lúc mình phải viết sách thiếu nhi, cho những độc giả nhí như con mình. 

Tại sao chị lại chọn Paris, Tokyo và Singgapore mà không phải là những vùng đất nào khác?

-Trong thực tế SuSu và GoGo chưa từng được đi Paris và Tokyo, các bé chỉ được đi Singapore thôi. Nhưng các bé luôn ao ước được đi Paris và Tokyo, vì đây là 2 thành phố có sức ảnh hưởng lớn thông qua phim ảnh và sách truyện mà các bé tiếp xúc được. Nên tôi nghĩ chắc bé nào cũng thích được đến những nơi này.

Dễ nhận thấy trong 3 cuốn sách của chị lồng ghép những kỹ năng sống cho trẻ, có phải đó là chủ ý của chị? Có bao nhiêu phần trăm chị rút ra từ những gì “mắt thấy tai nghe” qua 2 bé con trong nhà?

-Dĩ nhiên tôi rút hết 100% những gì tôi quan sát được từ các con của mình. Những câu thoại ba mẹ nói trong truyện cũng chính là những câu mà vợ chồng tôi lập đi lập lại hàng ngày với các bé. Như bao nhiêu bậc cha mẹ khác, chúng tôi cũng vừa nuôi con vừa tra cứu sách vở, vừa tự rút ra những chiêm nghiệm từ quan sát thực tế. Chúng tôi nhận thấy những cá nhân thành công và hạnh phúc là những người có tuổi thơ hồn nhiên, không quan trọng về vật chất cha mẹ cung phụng cho. Trong hành trình làm cha mẹ, chúng tôi cũng có lúc nhận ra mình không đúng, nên phải luôn hợp tác và lắng nghe các bé. Chúng tôi có những quy định rõ ràng dành cho các con và có những điều được quyền thảo luận lại. Khi các bé đến nhà người khác chơi, chúng tôi nhận được lời khen từ các bậc phụ huynh khác, rằng phương pháp dạy con của vợ chồng tôi khá hiệu quả và họ muốn chia sẻ ít nhiều. Vì thế, bộ sách này tôi viết không những chỉ cho các bé đọc mà cha mẹ các bé cũng cùng đọc với con.

 Nhà văn Dương Thụy

Cha mẹ hãy thủ thỉ với con mỗi ngày

Với góc nhìn và chiêm nghiệm của một nhà văn, lại là người hội nhập với thế giới từ khá sớm, theo chị, trẻ em Việt hiện đang thiếu gì, và cần phải được giáo dục, định hướng ra sao để tiệm cận với trẻ em ở các nước phát triển trong việc hình thành các kĩ năng thích ứng với cuộc sống hiện nay?

-Hiện tại tôi thấy nhiều bé đang bị tước đi quyền được sống đúng độ tuổi. Các bé bị thúc ép phải sống vượt số tuổi của mình. Các bé bị ép học sớm, học nhiều, học trối chết. Trong thời buổi hiện đại với Internet phát triển như ngày nay, kiến thức không còn là điều quan trọng nhất, vì cần tìm hiểu gì chỉ tra Google là xong. Trong khi đó, chính thái độ tích cực mới là điều quan trọng nhất để phát triển đường dài. Làm gì cũng cần thái độ tích cực mới hạnh phúc và thành công. Mà thái độ tích cực thì không trường lớp nào dạy được, chính từ cái nôi gia đình, chính từ tấm gương của cha mẹ sẽ cho các bé có thái độ đúng đắn. Vì thế, thay vì gởi con vào các trường học quá nhiều kiến thức, hãy dành thời giờ ở bên cạnh con, cha mẹ cùng con thủ thỉ nhỏ to, tâm sự mỗi ngày. Khi trò chuyện cùng nhau, gắn kết với nhau, cha mẹ truyền được cho con thái độ tốt trong đối nhân xử thế. Khi lớn lên, có trải qua khó khăn nào, rào cản nào, với thái độ tích cực, con bạn sẽ tự mình vượt qua. Hiện tại, các nước phát triển hiểu rằng để làm một người thành công và hạnh phúc, chúng ta cần trước hết là Thái độ đúng đắn, Kỹ năng thuần thục, sau cùng mới là Kiến thức.

 Bìa cuốn "SuSu và GoGo đi Singapore"

Đọc các tác phẩm của Dương Thụy trước đây, tôi cứ mặc định chị là người rất… Tây, có lối sống hiện đại. Nhưng đến bộ sách 3 tác phẩm viết cho thiếu nhi lần này, thì lại thấy Dương Thụy cũng rất truyền thống, nếp nhà được chăm chút và vun vén khá kỹ?

-Tôi là người được cha mẹ nuôi dạy rất kỹ và sống rất gắn kết với gia đình. Tôi có nền tảng giáo dục gia đình vững chắc, theo đúng như ông bà mình nói “Tiên học lễ hậu học văn!”. Trước khi bước chân ra bên ngoài, tôi phải tự biết mình có những giá trị gì cần tự hào. Nhờ thế, khi ra nước ngoài, tôi không bị lóa mắt, không bị choáng ngợp, không rơi vào những lối sống tiêu cực của những nước vốn rất tiên tiến. Đến nay, càng tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, tôi càng quý trọng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Những câu ca dao, tục ngữ, những lời ông bà ta đã nói từ mấy mươi thế kỷ trước vẫn áp dụng rất hiệu quả cho tới giờ. Kết hợp được truyền thống căn cơ của Việt Nam và những điều tốt đẹp của thế giới thì tôi tin mình sống đúng đắn.

Cảm ơn những chia sẻ thân tình và cởi mở của chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm