Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Phạm Xuân Nguyên nể cây bút 8x Trường An

14/11/2017 - 13:35
Các nhà văn, nhà phê bình gạo cội đã bày tỏ sự kinh ngạc và thán phục trước bộ tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn với hơn 2.000 trang sách của cây bút nữ Trường An.
bo-tt.JPG
Bộ tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn của Trường An

Trong buổi giao lưu Theo dòng lịch sử giới thiệu bộ tiểu thuyết lịch sử vừa ra mắt của Trường An do NXB Phụ nữ tổ chức vào ngày 12/11, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã công nhận rằng, ông thực sự nể phục, ngưỡng mộ cây bút trẻ 8x này. Bằng kiến thức và trí tưởng tượng của mình, Trường An đã kể lại theo một cách rất riêng những câu chuyện về triều Nguyễn, đặc biệt là về cuộc chiến Tây Sơn – nhà Nguyễn qua bộ tiểu thuyết gồm 3 cuốn Thiên hạ chi vương, Hồ Dương (2 tập) và Vũ tịch.

Có mặt trong buổi giao lưu, cây bút viết tiểu thuyết lịch sử lão làng Nguyễn Xuân Khánh nhận xét, Trường An đã chọn được một đề tài rất hấp dẫn là triều Nguyễn. Đây là một lãnh địa gần như chưa ai viết, và thông tin về triều đại này còn rất nhiều mơ hồ cả trong lịch sử cũng như văn học và chính điều đó khiến độc giả càng thêm tò mò, chú ý.

3.jpgTrường An cùng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Xuân Nguyên, đại diện NXB Phụ nữ và độc giả trong buổi giao lưu "Theo dòng lịch sử" 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Tám triều vua Lý Bão táp triều Trần không tới dự sự kiện được nhưng cũng nhắn gửi tới Trường An rằng: Ông rất ngạc nhiên khi một tác giả trẻ 8x có thể kiên nhẫn bỏ thời gian ra viết hơn 2.000 trang sách. Hơn thế nữa, điều ông đánh giá cao là kiến thức của tác giả về lịch sử rất vững vàng, cách kể chuyện bài bản, cuốn hút.

Đứng ở góc độ người làm xuất bản, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Phụ nữ cho biết, có 3 điều khiến đơn vị làm sách quyết định xuất bản bộ tiểu thuyết của Trường An: Thứ nhất, một cây bút còn rất trẻ nhưng đã đầu tư thời gian, công sức để nghiên cứu lịch sử và viết thành tiểu thuyết là điều rất đáng nể trọng. “Tôi lạnh người với nguồn tư liệu mà Trường An tiếp cận để viết nên tiểu thuyết. Thực sự là quá đồ sộ”, bà Hoa Phượng nói.

Thứ hai, những người làm xuất bản trân trọng góc nhìn lịch sử thông qua thân phận con người được thể hiện trong tác phẩm. Thứ ba, trong bối cảnh bạn đọc Việt Nam nhiều khi hiểu về lịch sử nước ngoài hơn lịch sử nước nhà, việc cho ra đời những bộ tiểu thuyết lịch sử với góc nhìn về thân phận con người trong từng giai đoạn cụ thể là một cách để khuyến khích giới trẻ quan tâm hơn đến lịch sử, văn hóa nước nhà.

1.jpg
Trường An ký tặng độc giả

Cây bút trẻ Trường An hiện đang sống tại TPHCM. Cô nhận mình là người luôn muốn giữ tình yêu đơn thuần với tri thức và lịch sử. Trường An nói, cô tin rằng tìm hiểu lịch sử cũng là cách để nhìn nhận chân xác bản thân và cuộc sống, và viết là cách để đối thoại, phản biện, hiểu sâu hơn các vấn đề.

Tiểu thuyết Thiên hạ chi vương là lời giải đáp cho những ẩn số cuộc đời của hoàng đế Gia Long – vị vua dựng nghiệp của vương triều cuối cùng tại Việt Nam. Tiểu thuyết Vũ tịch xoay quanh số phận của Công chúa Lê Ngọc Bình, Chính cung Hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn, sau này trở thành Đức phi của vua Gia Long Nguyễn Ánh, người được coi là tội nhân của luân thường đạo lý và là nạn nhân của thời ly loạn.

Còn ở bộ tiểu thuyết 2 tập Hồ Dương, nhà văn Trường An đã mạnh dạn đưa ra một góc nhìn mới mẻ hơn, toàn diện hơn về cuộc nội chiến khốc liệt Tây Sơn - nhà Nguyễn cũng như những mất mát khôn tả của những chứng nhân ngày ấy để thống nhất toàn cõi Việt Nam. Họ - những con người được hun rèn trong khói lửa. Họ – dù là vị chúa thất thế hay anh võ biền nông dân cũng đều chung lý tưởng, chung gánh nặng xã tắc. Trong những năm tháng đó, ai đúng ai sai không còn quan trọng, chỉ là họ đã không một giây phút nào từ bỏ việc hàn gắn những mảnh vụn của đất đai, con người, màu da... để hồi sinh đất nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm