Nhà văn Lê Văn Nghĩa kể chuyện học trò Sài Gòn xưa

Bảo Minh - Ảnh: K.Đ
03/12/2020 - 11:05
Nhà văn Lê Văn Nghĩa kể chuyện học trò Sài Gòn xưa
22 chương trong cuốn sách “Mùa tiểu học cuối cùng” của nhà văn Lê Văn Nghĩa như những cuốn album ảnh ghi lại đời sống học trò Sài Gòn xưa một cách sống động, hóm hỉnh.

Vài năm trở lại đây, văn đàn Việt chứng kiến sự chuyển dịch thú vị, là khá nhiều tác giả lớn tuổi bỗng ngoái lại thời trẻ, với tuổi thơ cùng những ký ức trong veo của mình. Điều này hiện rõ qua các sáng tác của Bình Ca, Vũ Công Chiến, Trung Sỹ ở phía Bắc, và phía Nam là nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Được xem là nhà văn trào phúng hiếm hoi, một mình một lối đi riêng giữa làng văn làng báo, từ ngày về hưu, nhà văn Lê Văn Nghĩa bỗng trẻ ra với các sáng tác về tuổi thơ Sài Gòn một thuở. Mới đây nhất, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt cuốn sách Mùa tiểu học cuối cùng của ông.

Nhà văn "mời gọi" độc giả đến với truyện dài này của mình: "Bạn ngồi xuống đây nghe tui kể chút nè, về mấy thằng bạn cà tưng lớp nhứt Hai trường tiểu học Bình Tây của tui. Cũng lâu lắm rồi á, hồi năm 1967 lận. Chẳng hiểu sao lớp tui hồi đó toàn những đứa cà tưng thích làm mấy chuyện cà tửng. Ví dụ như thằng Cảnh hù với biệt tài "tè xa" vô địch thiên hạ. Thằng Chương tìm phép tàng hình như trong mấy tuồng Ấn Độ và… thành công thật. Thằng Thu bỗng một ngày biến thành con Thu. Thằng Ty bị té cây chùm ruột và trở thành thiên tài toán học… Tất nhiên là có cả tui nữa, quân sư quạt mo kiêm thầy dạy võ và là một nhà báo đại tài. Mời đọc tiếp để biết tụi học trò tiểu học tụi tui ngày ấy đã quậy tưng bừng thế nào nhé. Không thua gì các bạn bây giờ đâu!".

Theo đó, bước vào 22 chương đoạn là như lật dở 22 cuốn album ảnh, ghi lại đời sống học trò trước 1975. Với thế mạnh của cây bút trào phúng, truyện của Lê Văn Nghĩa đầy ắp tiếng cười. Tiếng cười văng ra từ cách sử dụng ngôn ngữ. Tiếng cười văng ra từ những chi tiết ngồn ngộn chất sống. Những trang sách làm nên bức tranh rõ nét về đời sống, văn hóa, lời ăn tiếng nói của một Sài Gòn đã xa…

Nhà văn Lê Văn Nghĩa kể chuyện học trò Sài Gòn xưa - Ảnh 1.

Cuốn sách "Mùa tiểu học cuối cùng"

Mùa tiểu học cuối cùng đề cao tình bạn, tình cảm gia đình. Những đứa trẻ vô tư, trong sáng, quậy hết nấc nhưng luôn biết yêu quý bạn bè, muốn làm điều hay lẽ phải, trọng tình trọng nghĩa.

Là truyện thiếu nhi nhưng Mùa tiểu học cuối cùng không chỉ dành cho thiếu nhi. Độc giả nhỏ tuổi ngày nay đọc để hiểu về thế hệ cha ông, còn người lớn đọc để được một lần quay ngược thời gian, sống lại tuổi thơ.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953, từng tham gia phong trào học sinh – sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975 và bị giam, đày ở nhà tù Côn Đảo. Ông từng là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ, phụ trách Chủ biên báo Tuổi trẻ Cười. Lê Văn Nghĩa được coi là cây bút trào phúng hàng đầu của báo chí và văn học Việt Nam đương đại. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn TP.HCM và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm