Nhà văn Nguyễn Một viết tiểu thuyết chiến tranh để giới trẻ biết hơn về quá khứ

Bảo Minh
19/06/2023 - 20:08
Nhà văn Nguyễn Một viết tiểu thuyết chiến tranh để giới trẻ biết hơn về quá khứ

Tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín"

“Tôi viết về chiến tranh để các bạn trẻ biết hơn về quá khứ và biết cách ứng xử với tương lai”, nhà văn Nguyễn Một cho hay.

Chiều 18/6, buổi ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một đã được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình có sự góp mặt của các diễn giả Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Yên Ba, Y Ban, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp… Đảm nhận vai trò điều phối chương trình là nhà văn Di Li.

Nhà văn Nguyễn Một vốn quen thuộc với độc giả với phong cách huyền ảo. Nhưng ở Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, ông đào sâu "mảnh đất" hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính mình. Cuốn tiểu thuyết mới của ông là câu chuyện tình yêu diễn ra trong bối cảnh chiến tranh đang giai đoạn rực lửa, xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những con người mang thân phận khác nhau.

Tại buổi ra mắt cuốn sách, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ: "Chiến tranh ám ảnh tôi bởi cha mẹ đều là những người dân thường bị giết hại. Các cậu tôi kể lại, mẹ chết do một viên đạn bắn xuyên qua đầu. Lúc đó mẹ đang ôm tôi, máu của bà phủ kín đứa bé 4 tuổi chưa biết thế nào là chia ly. Những câu chuyện của người lớn kể sau này đã hằn sâu vào tâm trí tôi. Vì thế, tôi viết về chiến tranh để các bạn trẻ biết hơn về quá khứ và biết cách ứng xử với tương lai".

Nguyễn Một nói, ông luôn mong ước hòa bình, sự tha thứ và yêu thương tràn ngập giữa người với người. Ông cũng cho biết thêm, sau nhiều năm cầm bút, ông nhận ra sự chân thật trong cuộc sống là rất cần thiết và có giá trị. Đó cũng là lý do mà ông sử dụng bút pháp chân thực trong cuốn tiểu thuyết mới nhất này.

Các nhà văn Di Li, Nguyễn Một và Yên Ba (từ trái qua) trong buổi ra mắt sách

Các nhà văn Di Li, Nguyễn Một và Yên Ba (từ trái qua) trong buổi ra mắt sách

Nói về Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng: "Chiến tranh là thế. Nó biến tất cả thành vô lý, vô nghĩa. Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách, là lời kết án: Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này! Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định: Đọc tác phẩm của Nguyễn Một cho thấy cuộc chiến tranh xé chúng ta ra, chia cắt chúng ta và vẫn còn nhiều đau đớn. Cuốn sách cho thấy hậu chiến, tiếng vọng đằng sau chiến tranh còn lại với chúng ta quá lâu dài. Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Một với cách nhìn khác, với cảm quan khác mà ở đó chúng ta không chỉ nhìn thấy bi thương mà còn cả những điều khác nữa".

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín được phát hành lần đầu với 2.000 bản sách, trong đó có 100 bản đặc biệt được in ấn bằng chất liệu giấy mỹ thuật và 16 bức minh họa màu.

Nhà văn Nguyễn Một sinh năm 1964, là Ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh sống tại Đồng Nai, còn có bút danh Dạ Thảo Linh. Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Ông có nhiều tác phẩm đáng chú ý như: Truyện ngắn Trước mặt là dòng sông từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình; tiểu thuyết Đất trời vần vũ được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn năm 2010, được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Hoa Kỳ dưới nhan đề Heaven and Earth in Tumult; tiểu thuyết Ngược mặt trời được giải thưởng Trịnh Hoài Đức năm 2017 và được dịch sang tiếng Anh và phát hành ở Hoa Kỳ với tựa đề Journey against the sun.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm