“Khoảng trống trong rừng” đưa độc giả nhí vào cuộc phiêu lưu

Phong Linh
02/01/2020 - 14:15
“Khoảng trống trong rừng” đưa độc giả nhí vào cuộc phiêu lưu
Cuốn sách đậm chất phiêu lưu cho trẻ nhỏ với tên gọi “Khoảng trống trong rừng” của cố nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa được ra mắt độc giả.

Khoảng trống trong rừng có một cốt truyện đậm chất phiêu lưu với nhân vật chính là cậu bé Phi Ngố trên hòn đảo cất giấu những bí ẩn đã xảy ra từ 30 năm trước.

Sau khi mẹ mất, Phi theo bố chuyển từ bến Cảng ra đảo Nhỏ sinh sống cùng ông ngoại. Nhà ông ngoại ở trong rừng, ven biển ở đảo Nhỏ. Làng quê ngoại Phi được gọi là làng Thông, bởi nơi đó rừng thông bao la vây kín làng và ăn sát mép nước. Thông chen chúc nhau sống trên cát, duy chỉ có một khoảng trống, không có cây thông non nào mọc lên được.

Đến với đảo Nhỏ, cậu rất háo hức muốn làm quen với cuộc sống nơi đây, với biển, với rừng và những người bạn mới. Nào ngờ ngay trong buổi đầu tiên gặp gỡ, Phi đã nhận được thái độ vừa dữ dằn vẻ đe dọa, vừa lạnh nhạt vẻ khinh thường của những người bạn mới.

Trông thấy Phi buồn chân buồn tay, bần thần một mình, ông ngoại đã chỉ cho em bãi đất trống trong rừng, nơi tập kết của lũ bạn láu cá trên đảo. Trông thấy bãi đất trống giữa rừng thông, trên bãi cát, Phi mới biết đây là sân bóng bí mật của chúng bạn. Màn trổ tài bắt bóng bất đắc dĩ của Phi, đã giúp cậu chiếm được tình cảm của những đứa trẻ miền biển. Chúng bắt đầu cởi mở với Phi, bởi chúng thấy Phi không phải chỉ là một công tử bột thành phố.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân tái xuất với truyện phiêu lưu cho thiếu nhi - Ảnh 1.

Bìa cuốn "Khoảng trống trong rừng"

Từ ngày kết bạn với Thư Gù, Phi B, cùng những người bạn trên đảo, Phi đã được nghe Thư Gù kể nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến ông ngoại và người bác đã mất của mình. Những câu chuyện cũ khiến Phi tò mò, cậu tìm ông ngoại để nghe lời giải đáp. Lúc ấy, ông mới kể cho Phi về người chiến sĩ chết trên bãi cát 30 năm trước, được ông chôn cất, với lời trăng trối cuối cùng đầy bí ẩn. Không ai biết người lính ấy là ai, từ đâu đến, ai đã giết anh, và vì sao lại chỉ có chiếc thuyền không?

Sự xuất hiện của Năm Cò, người thủ từ khả nghi thường lảng vảng như dò tìm thứ gì đó, với những tình tiết mới được tiết lộ... Những chuyện đang xảy ra hôm nay, có liên kết gì với những tình tiết của quá khứ hay không? Câu chuyện của ông ngoại đã dẫn Phi vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, nhưng vô cùng hấp dẫn.

Trong chuyến phiêu lưu của mình, Phi Ngố đã giúp những chiến sĩ công an phá được băng cướp Ó Biển nổi tiếng hung ác, đồng thời, bí ẩn của 30 năm trước, cũng đã được giải đáp. Ẩn chứa đằng sau bí ẩn ấy là những con người thầm lặng, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc. Đó cũng là bài học cảm động sâu sắc, giúp những đứa trẻ như Phi Ngố, Thư Gù, Phi B, Hùng Thổi… thấu hiểu hơn về tâm hồn đẹp đẽ của những người đi trước.

Câu chuyện phiêu lưu trong Khoảng trống trong rừng không chỉ thể hiện tình yêu vô cùng đối với vùng biển đảo quê hương, mà nó còn là một khúc nhạc ngợi ca những tâm hồn trẻ tuổi tự do theo đuổi những giá trị tốt đẹp trong đời sống. Bước vào vùng không gian của Khoảng trống trong rừng, những độc giả nhỏ tuổi sẽ được đắm chìm trong không gian mênh mông của biển, bao la của rừng, lắng nghe tiếng sóng vỗ, tiếng thông reo trong gió, thót tim với những tình huống nguy hiểm mà Phi Ngố trải qua. Ban đầu gặp gỡ sẽ là những tiếng cười rộn ràng, để càng đi đến cuối cùng của cuộc phiêu lưu, lại dễ dàng rơi nước mắt bởi những điều cảm động của câu chuyện.

Đọc truyện, có thể thấy nhà văn Nguyễn Quang Thân tỏ ra rất thấu hiểu tâm lý trẻ thơ, khi chúng đang ở độ tuổi tò mò và ham thích phiêu lưu, khám phá thế giới. Cốt truyện đặc sắc, cuốn hút cùng các nhân vật gần gũi, chân thật, đầy cá tính được thể hiện dưới ngòi bút vừa dung dị, ấm áp lại vừa phóng khoáng, uyển chuyển của ông khiến Khoảng trống trong rừng hứa hẹn được nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi yêu mến.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân tái xuất với truyện phiêu lưu cho thiếu nhi - Ảnh 2.

Cố nhà văn Nguyễn Quang Thân

Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh năm 1936, mất năm 2017. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước như: Giải chính thức văn học cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tác phẩm Chú bé có tài mở khóa; Giải Nhì truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1992 cho tác phẩm Vũ điệu cái bô; Giải A cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long với tác phẩm Hội thề; Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ ba (2006 - 2009) với tác phẩm Hội thề và lần thứ nhất (2000-2002) với tác phẩm Con ngựa Mãn Châu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm