Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Người lãng du trong thế giới sáng tạo

21/12/2018 - 13:01
Chúng tôi gặp nhà văn Nguyễn Toàn Thắng sau khi biết anh vừa có một kịch bản được dựng thành chèo trên sân khấu Nhà hát Chèo Ninh Bình, vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương”.

Và câu chuyện của chúng tôi cứ thế trôi đi, trong thế giới của nghệ thuật, của những nỗi niềm và ý tưởng sáng tạo dường như không bao giờ cạn trong con người anh.

1_85126_1600x1066.jpg
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng
 

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng đến với nghệ thuật từ rất sớm. Chưa đến 10 tuổi, anh đã đảm nhận những vai chính trong các hoạt cảnh “Những bông hoa nhỏ” của Đài Truyền hình Việt Nam. “Ngày ấy, mỗi lúc tivi chiếu chương trình có tôi tham gia vai chính, cả khu tập thể như mở hội. Tất cả trẻ con, người lớn tụ tập vào xem, rồi bình luận. Tôi được mọi người tặng quà, có khi chỉ là củ khoai, ít lạc luộc, nhưng tình cảm lắm và là những kỷ niệm mà không bao giờ quên được”.

dsc_2353_1600x1065.JPG
Vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương” của anh vừa có buổi ra mắt thành công

Ít năm sau đó, mải mê học hành, dường như giấc mơ nghệ thuật đã không còn đeo đuổi anh nữa. Nhưng mọi thứ là duyên phận, khiến cho một lần nữa, Nguyễn Toàn Thắng lại bước vào con đường cũ, đầy chông gai và trắc trở nhưng cũng đầy niềm vui. Một lần, do cá cược với bạn bè, anh nổi hứng viết kịch bản. “Lúc ấy, mọi đam mê lại trỗi dậy, tôi viết hăng say, y như một chuyến đi đầy mạo hiểm và lý thú”. Bộ phim truyền hình đầu tiên Nguyễn Toàn Thắng viết: “Nơi tình yêu bắt đầu”, phát vào mồng 5 Tết năm 2000 đã gây xôn xao trong giới trẻ bởi câu chuyện lãng mạn, hài hước của đời sống sinh viên. Từ bộ phim ấy, hai diễn viên Công Dũng và Thân Thanh Giang bắt đầu được chú ý.

“Ngày ấy, tôi liều lắm. Viết kịch bản đã đành, tôi còn đạo diễn và là diễn viên chính trong vở ca kịch “Cho trái đất mãi xanh” quy tụ đúng 101 diễn viên nhí, biên đạo múa, nhạc sĩ đều là những gương mặt hàng đầu hiện nay của nghệ thuật nước nhà”, Nguyễn Toàn Thắng tâm sự. “Buổi đầu tiên, chị Minh Châu, lúc đó phụ trách các lớp năng khiếu, bảo tôi: Em ơi có phe vé đứng đầy ngoài cổng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô kìa. Thế là chị em cười với nhau, vì có phe vé có nghĩa là chương trình đã thành công”.

dsc_2265_1600x1065.JPG
"Tôi kể chuyện lịch sử theo cách của mình, đó là đem lại cho khán giả những cảm xúc nhân văn, những giằng xé giữa được và mất, giữa quyền lợi cá nhân và dân tộc"- Anh chia sẻ

Không mấy ai biết, bộ phim hoạt hình “Vào hang kiến” do Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản đã lập kỷ lục là phim hoạt hình dài nhất của điện ảnh Việt Nam từ trước tới nay. Bộ phim ra đời sau nhiều lần duyệt lên duyệt xuống, và thời gian thực hiện cũng dài kỷ lục, 2 năm. “Tôi hay đi tiên phong, chính vì thế mà toàn gặp vất vả”, Nguyễn Toàn Thắng cười. “Nhưng đã làm nghệ thuật, tôi không chấp nhận sự lặp lại, dù cho vì thế mà tôi gặp thất bại nhiều hơn thành công”.

Cũng không mấy người biết, Nguyễn Toàn Thắng là tác giả kịch bản của bộ phim tài liệu “Đờn ca tài tử Nam Bộ” mà ngay sau khi đờn ca tài tử được UNESCO phong di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, VTV1 ngay lập tức chiếu bộ phim đó. Bởi chỉ bộ phim ấy mới khái quát được thế nào là đờn ca tài tử.

1_44459.jpg
Khép kín và ngại nói về bản thân, Nguyễn Toàn Thắng luôn "né" những gì gọi là
thành quả của mình 
 
Nguyễn Toàn Thắng không bó buộc ở thể loại nào. Với sân khấu, anh là tác giả của các vở kịch thiếu nhi, các chương trình hài kịch, các vở sân khấu truyền thống. Với văn chương, anh là tác giả của những truyện ngắn mang tính châm biếm đã thành thương hiệu trên các tạp chí văn chương có uy tín như Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công An… “Sở dĩ, tôi viết nhiều thể loại, là bởi, mỗi một câu chuyện, một ý tưởng của tôi sẽ phù hợp với một loại hình khác nhau”, Nguyễn Toàn Thắng cười: “Và tôi sẽ còn tiếp tục viết, bởi ý tưởng của tôi không có khả năng cạn kiệt”.

 

Khi được hỏi về trong các kịch bản sân khấu về đề tài lịch sử của mình, anh luôn chú ý đến thân phận phụ nữ, anh cho biết: Tôi thiên về hướng cho rằng đất nước này còn tồn tại mạnh mẽ đến ngày hôm nay, là nhờ mang tính nữ. Phụ nữ Việt dịu dàng, cam chịu trong cuộc sống thường ngày, nhưng rất dũng cảm một khi xảy ra bất cứ biến cố gì với non sông đất nước. Chẳng hạn như trong vở chèo “Nàng thứ phi họ Đặng”, nhân vật Đặng Thuý Hạnh - con gái của quốc công Đặng Tất, sau khi cha bị giết, lập tức lên đường và trở thành chiến binh. Hoặc người vợ của tướng quân ăn mày Phạm Ngũ Thư trong vở cải lương “Khất sỹ” cũng không hề cam chịu một cuộc sống tầm thường. Còn ở vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương”, thì mẹ của Nam Việt Vương Đinh Liễn cũng xin vào thành làm con tin, khi không được chấp thuận thì giả điên vào thành chăm con. Những nhân vật nữ ấy, tôi đều lấy cảm hứng từ lịch sử, nhưng gửi gắm vào đó lòng yêu thương, sự tôn trọng với người xưa".

Những thành công của Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng:

- Giải nhì “Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi” do NXB Kim Đồng tổ chức (2003)

- Giải thưởng cuộc thi viết kịch bản về đề tài nông thông do Cục Văn hoá Cơ Sở, Bộ Văn Hoá tổ chức.

- Tặng thưởng Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2011

- Giải thưởng kịch bản của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam 2017, 2018.

Các tác phẩm sân khấu tiêu biểu:

- Trận chiến giữa rừng xanh (kịch thiếu nhi); Chuyện nàng Lọ Lem (ca kịch); Cuộc phiêu lưu của Gà trống choai (ca kịch); Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến (kịch thiếu nhi); Căn bếp đại chiến (kịch thiếu nhi); Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 2, 3 (ca kịch); Nàng thứ phi họ Đặng (Chèo); Khất sỹ (cải lương); Người con của Vạn Thắng Vương (chèo); Ao làng (hài kịch); Oái ăm đời (hài kịch)

Văn học:

Chuyện tình chàng bán loa; Chuyện chú rồng lửa 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm