pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021)
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia kháng chiến. Trong khoảng 10 năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973.
Sau khi nghỉ hưu, ông làm rất nhiều việc để kiếm sống như may vá, nuôi lợn, viết văn, viết biên khảo, dịch thuật… Ông viết nhiều tiểu thuyết đồ sộ, nhưng hầu hết phải đợi rất nhiều năm mới được xuất bản.
Mảng nổi bật nhất trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Xuân Khánh là tiểu thuyết văn hóa lịch sử, trong đó phải kể đến Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Bộ ba tác phẩm này đã được trao 5 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và UBND TP Hà Nội.
Tác phẩm mảng trào phúng của ông cũng gây ấn tượng sâu sắc với độc giả như Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo… Trong đó, Chuyện ngõ nghèo được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả. Nguyễn Xuân Khánh viết tiểu thuyết này từ đầu những năm 1980, nhưng đến năm 2016 mới được Công ty Nhã Nam và NXB Văn học phát hành. Với lối viết giễu nhại, bi hài, nhà văn đã chỉ ra sự khốn khổ tận cùng của con người trong thời bao cấp. Tiểu thuyết này đã được trao giải thưởng Sách hay 2018, hạng mục Tác phẩm văn học.
Nguyễn Xuân Khánh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Chuông nguyện hồn ai, Những quả vàng, Tâm lý học đám đông…