Nhà vật lý tài danh Stephen Hawking qua đời

14/03/2018 - 13:24
Nhà khoa học được coi là có ảnh hưởng lớn nhất trong kỷ nguyên hiện đại Stephen Hawking đã qua đời ở tuổi 76 do các biến chứng của bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) và chứng loạn dưỡng cơ tiến triển.
Tin buồn này được gia đình Hawking xác nhận vào sáng 14/3. Sự ra đi của Hawking không chỉ để lại lòng tiếc thương đối với giới khoa học mà còn cả những người quan tâm đến vật lý và vũ trụ học.
stephen-hawking-4.jpg
Ông Stephen Hawking bên các con


Trong lời thông báo ngày 14/3, các con của Giáo sư Stephen Hawking gồm Lucy, Robert và Tim nói: "Chúng tôi vô cùng thương tiếc thông báo rằng cha chúng tôi đã qua đời. Ông ấy là một nhà khoa học kiệt xuất, một người mà sự nghiệp của ông sẽ sống mãi trong lòng của mọi người mãi về sau. Sự dũng cảm và kiên định, cùng với trí tuệ và sự hài hước của cha đã truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới. Ông ấy từng nói: “Vũ trụ sẽ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là nhà cho những người bạn yêu thương”. Chúng tôi sẽ nhớ cha mãi mãi".

Ông Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942, là một nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học và hiện giữ vai trò Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết của Đại học Cambridge (Anh quốc).
stephen-hawking-2.jpg
Ông Stephen Hawking chuyên nghiên cứu về vũ trụ và lỗ đen

Ông là nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về lỗ đen. Ông cũng là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải đa vũ trụ về cơ học lượng tử.

Ông cũng nổi tiếng với cuốn sách "Lược sử thời gian" viết về vũ trụ. Đây được mệnh danh là quyển "best-sellers chưa đọc" - ý nói rất nhiều độc giả đã sở hữu cuốn sách nhưng đa phần trong số họ không ai có thể hiểu hết được lượng kiến thức khoa học trong đó, thậm chí không thể đọc hết.
 
Vì nhiều lý do ở cả đóng góp khoa học lẫn hình tượng cá nhân, Stephen Hawking được xem như một trong những nhà khoa học lừng lẫy nhất thời đại với nhiều cuốn sách và cả phim ảnh về ông. "Từ sau Albert Einstein, chưa có nhà khoa học nào thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng và được hàng chục triệu người trên thế giới yêu mến như thế", ông Michio Kaku, giáo sư vật lý lý thuyết ở Đại học New York, chia sẻ về Hawking.
stephen-hawking-3.jpgKiên cường chống chọi bệnh tật để vươn tới những công trình nghiên cứu vĩ đại


Stephen Hawking còn là một trong những nhà khoa học chuyên lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội. Ông cảnh báo rằng tương lai của nhân loại chính là vũ trụ ngoài kia. "Tôi nghĩ nhân loại không có tương lai nếu họ không đi vào không gian. Tôi tin rằng cuộc sống trên Trái Đất đang bị đe dọa ngày càng nhiều trước nguy cơ một đợt nóng lên đột ngột, chiến tranh hạt nhân, một loại vi rút phát tán hàng loạt và những mối nguy khác ", ông từng nói.

 Cuộc đời Hawking là những chuỗi ngày kiên cường chống chọi suốt hơn 50 năm với căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) và tìm kiếm lời giải cho những bí ẩn của vũ trụ dẫu bác sĩ chẩn đoán là chỉ có thể sống thêm 2 năm sau khi phát hiện bệnh năm ông 21 tuổi. Khả năng sống sót phi thường của Hawking khiến nhiều chuyên gia kinh ngạc. Ông Nigel Leigh, giáo sư về thần kinh học lâm sàng tại King’s College, London nói: "Ông là một ngoại lệ. Tôi chưa từng thấy ai sống sót với căn bệnh này lâu đến thế".
 
Gần như toàn bộ cuộc đời của Hawking gắn với chiếc xe lăn. Khi tình trạng bệnh tật của Hawking ngày một xấu đi, ông buộc phải giao tiếp thông qua thiết bị hỗ trợ giọng nói nhân tạo và ra hiệu bằng lông mày. Bên trong thân thể đau yếu của Hawking là sức mạnh trí tuệ và sự thông minh tuyệt đỉnh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm