pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhạc sĩ Hà Chương kể chuyện “vạn sự khởi đầu nan”
Mất khả năng nhìn thấy ánh sáng từ 2 tuổi nhưng với ý chí, nghị lực và tài năng, anh đã vượt qua những khó khăn, thử thách. Anh có thể trình diễn hơn 10 loại nhạc cụ, đã sáng tác hàng trăm bài hát, giành nhiều giải thưởng âm nhạc, lưu diễn nhiều nơi trên thế giới...
Có được những thành công hôm nay, Hà Chương không thể nào quên được kỷ niệm khi thực hiện album đầu tay. Đó là vào mùa hè năm 2005, anh về nhà ở Quảng Ngãi sau một năm học trung cấp đàn bầu ở Hà Nội. Mấy người bạn đang học ở Đà Nẵng rủ anh ra thành phố này chơi. Trong lúc hàn huyên, một người nói anh nhất định phải ra album vì "khi mi đi xa, không ai hát cho nghe, bọn ta thấy nhớ, phải in đĩa mỗi đứa giữ một cái làm kỷ niệm". Ngay hôm sau, người bạn đó đi tìm phòng thu ở Đà Nẵng và được thông báo chi phí thực hiện album là 7 triệu đồng, tương đương gần 1 cây vàng. "Thời điểm đó, chỉ ca sĩ hàng sao ở miền Nam mới đủ khả năng làm album. Một học sinh khiếm thị như tôi biết kiếm tiền ở đâu?", Hà Chương nhớ lại.
Những người bạn của anh liền xòe ra xấp tiền 4 triệu đồng, là khoản tiền họ dành chuẩn bị cho năm học mới. Có tiền, Hà Chương liều mình xông vào làm album. Được nghỉ hè 2 tháng, Hà Chương phải gấp rút làm mọi thứ, từ luyện thanh đến việc kiếm thêm 3 triệu đồng. Anh bạo gan gửi email xin một nhà hảo tâm người Việt ở Mỹ và được ủng hộ 200 USD, tương đương 2,5 triệu đồng lúc bấy giờ. Biết chuyện, cô Ngọc Điền, hiệu phó trường Lê Quý Đôn, tặng 500 ngàn đồng. Vậy là anh đủ "tấm vé thông hành đến phòng thu".
Và rồi, album đầu tiên của Hà Chương đã ra đời với tựa đề "Món quà của sóng", gồm 12 ca khúc anh sáng tác và thể hiện. Cầm đĩa trong tay, ban đầu anh và nhóm bạn rất hồ hởi nhưng sau đó cảm giác... tiu nghỉu xâm chiếm, vì đĩa nhạc trụi lủi, không có tấm hình hay dòng thông tin nào. Số tiền làm album đã cạn, những người bạn của Hà Chương lại gõ cửa nhiếp anh gia Mỹ Dũng nhờ ảnh chụp hình, rồi nhiếp ảnh gia Xuân Bổn thiết kế và in bìa đĩa...
Một hôm, Hà Chương bỗng nghĩ, làm album vất vả, tốn kém mà chỉ để tặng miễn phí thì uổng quá. Anh nhờ bạn chở đến các phòng trà, quán bar ở Đà Nẵng xin hát và bán đĩa lấy tiền giúp các em bé ở bãi rác Khánh Sơn. Nhưng đi tới đâu, anh cũng bị từ chối. Cuối cùng, anh cũng được hai tụ điểm ca nhạc ở Đà Nẵng đồng ý. Album bán chạy, anh có tiền để giúp các em nhỏ ở bãi rác có thêm sách vở cho mùa tựu trường. Biết chuyện về album đầu tay của Hà Chương, một người bạn của anh là nhà báo Nguyễn Anh Tài đã viết bài gửi đăng báo Tuổi trẻ. Từ bài báo, công ty Phương Nam Film đã liên hệ với anh và ký hợp đồng phát hành album "Món quà của sóng" trên toàn quốc.
"Tôi không ngờ rằng mọi chuyện tốt đẹp đến nhanh, bóp nghẹt trái tim mình", Hà Chương hồi tưởng. Số lượng 5.000 đĩa được bán ra trong 1 tháng, các đài truyền hình, phát thanh liên tục tìm đến ghi hình, phỏng vấn, các tờ báo liên tục đăng tải về việc người khiếm thị đầu tiên phát hành album do chính mình sáng tác... là những gì diễn ra trong cuộc sống của Hà Chương nhiều ngày sau đó. Tiếp đó, nhà báo Nguyễn Anh Tài phối hợp với Câu lạc bộ Sông Hà và Phương Nam Film tổ chức liveshow "Món quà của sóng" cho Hà Chương, diễn ra tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và khu du lịch Suối Lương.
Bản thân Hà Chương cũng không thể ngờ rằng, từ một cuộc ghi âm chơi để tặng bạn bè, album đầu tay đã mở ra cho anh một chân trời rộng lớn, mang đến cả tên tuổi và thu nhập để anh có một cuộc sống dễ thở hơn khi trở lại Hà Nội. Điều anh cảm thấy ý nghĩa hơn là anh còn góp sức giúp đỡ các em nhỏ ở bãi rác Khánh Sơn và trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu – TPHCM.
Đầu năm 2006, đêm diễn đầu tiên "Món quà của sóng" do báo Tuổi trẻ và Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Lần đầu tiên trong đời Hà Chương được diễn chung với các "ngôi sao" ca nhạc như: Phương Thanh, Thanh Thảo, Đan Trường, Tuấn Hưng... Đêm diễn đó đã đánh thức trong Hà Chương rất nhiều mơ ước, khát khao, thôi thúc anh quyết tâm hơn nữa để khẳng định khả năng của mình, đến với công chúng nhiều hơn...
Hà Chương chia sẻ, anh thấy hạnh phúc khi mình đã nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường để tạo ra một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy cho mình. Nhưng anh thấy điều đó vẫn chưa đủ. Từ sâu thẳm bên trong, anh muốn thực hiện những điều lớn lao hơn. "Tôi muốn trở thành tiếng nói đại diện cho người khuyết tật, để những người kém may mắn đó hiểu rằng dù số phận có cho ta bao nhiêu thiệt thòi thì ta vẫn có thể thành công và tự tạo dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, độc lập", anh bày tỏ.