Nhạc sĩ Phạm Tuyên ‘cưa’ người yêu bằng nhật ký

22/12/2016 - 10:30
Những chuyện ít người biết về tình yêu của nhạc sĩ Phạm Tuyên được vợ của ông, cố nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết, tiết lộ trong cuốn hồi ký 'Chúng tôi đã sống như thế'.
pham-tuyen.jpg
Nhạc sĩ Phạm Tuyên với vợ lúc sinh thời và các cháu 

Cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế được nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết viết năm 2007, trước khi bà mất 2 năm. Trước đây, cuốn hồi ký đã được một số người thân của nhạc sĩ Phạm Tuyên biết đến với hình thức chuyền tay, cho đến nay mới chính thức phát hành rộng rãi bởi NXB Tổng hợp TPHCM. Mới đây, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tổ chức buổi ra mắt cuốn hồi ký với độc giả.

Trong cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế, bà Nguyễn Ánh Tuyết viết: “Một hôm Mê Linh (một em học lớp 6, cũng là thành viên Đoàn Văn công Khu học xá) chạy đến nói với tôi: “Anh Tuyên nhắn chị lên gặp để anh ấy dạy cho chị bài hát mới”. Tôi vội vàng đi ngay lên dãy nhà giáo viên, vào phòng anh, thấy anh đang chờ tôi ở đấy. Anh dạy tôi hát bài mà tôi mới “vòi” anh dịch hôm rồi, với thời gian học hát rất nhanh, tôi đã thuộc ngay vì bài hát có giai điệu rất hay, rất dễ hát mà lại ngắn. Tôi sung sướng chào anh ra về, anh tiễn tôi xuống cầu thang rồi đưa cho tôi một cuốn nhật ký, anh dặn tôi: “Tuyết cứ xem đi rồi cho anh biết ý kiến”.

11.jpg
 Cuốn hồi ký "Chúng tôi đã sống như thế"

Tôi ngây thơ, vui vẻ cầm lấy cuốn nhật ký của anh mà lòng khấp khởi vì nghĩ: “Hay quá! Thế là lần đầu tiên mình được đọc nhật ký của một anh cán bộ, xem anh viết cái gì đây?”.

Từ nhà cán bộ đến nhà nữ sinh cách nhau một đoạn chừng 100m, hồi hộp quá! Tôi vừa đi vừa giở ra đọc, thấy trang nào cũng có tên tôi, cái tên Tuyết cứ nhắc đi nhắc lại từ trang đầu cho tới trang cuối. Tôi bắt đầu hoang mang, không dám đọc.

Về đến nhà gặp cái Thanh, bạn thân của tôi từ hồi còn bé ở Quảng Bình, hai đứa rủ nhau lên nóc thư viện ở tầng 4, đọc một mạch, bỏ cả bữa cơm chiều. Tôi đưa cuốn nhật ký cho Thanh đọc, còn tôi thì ngồi nghe. Lúc đầu còn nghe rõ những lời yêu đương của anh đối với tôi, nhưng càng về sau thì tai tôi dường như bị ù, người tôi bắt đầu run lên, không nghe rõ mấy.

Đọc xong trời đã tối, Thanh hỏi tôi: “Anh Tuyên yêu mày tha thiết quá, mày nghĩ thế nào?”. Tôi lúng túng nói với Thanh: “Tao sợ quá! Chẳng biết làm thế nào cả”. Thật tình, tôi hoàn toàn bất ngờ, không hề nghĩ anh yêu tôi đã từ lâu rồi. Tôi cứ tưởng nếu có yêu thì anh đã yêu đứa khác cũng trong Đoàn Văn công Khu học xá chứ không phải là tôi, vì chúng nó bộc lộ tình cảm đối với anh rõ ràng hơn”.

33.jpg
  Nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi ra mắt hồi ký "Chúng tôi đã sống như thế"

Trên đây chỉ là một trong những phần rất nhỏ mà nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết chia sẻ về chồng mình trong Chúng tôi đã sống như thế. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Những trang ghi chép của Nguyễn Ánh Tuyết về Phạm Tuyên rất sinh động. Qua ngòi bút của bà, ta hiểu được tấm lòng ông. Số phận ông. Ta còn biết hoàn cảnh ra đời từng bài hát cụ thể của ông”.

“Nhạc sĩ Phạm Tuyên không viết hồi ký. Nhưng người vợ dịu hiền của ông đã lặng lẽ làm thay công việc đó cho ông”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

Sau khi ra mắt hồi ký Chúng tôi đã sống như thế, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên sẽ tiếp tục tổ chức đêm nhạc Phạm Tuyên - Nhớ và quên mừng sinh nhật lần thứ 88 của nhạc sĩ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội vào ngày 14/1/2017.
22.jpg
 Nhạc sĩ Phạm Tuyên ký tặng cuốn hồi ký của vợ cho độc giả

Nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết (1936-2009) quê ở Quảng Bình, là Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Giáo dục Mầm non - ĐH Sư phạm Hà Nội. Bà nguyên là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mầm non - Bộ GD&ĐT. Bà cũng là tác giả và đồng tác giả của 34 cuốn sách về Tâm lý học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục gia đình…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm