pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhạc sĩ Phú Quang trong nỗi nhớ của thi nhân
Nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Thái Thăng Long
Thái Thăng Long có lẽ một trong những tác giả có thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc nhiều nhất. Có thể kể đến các bài như Chiều phủ Tây Hồ, Muộn, Mơ về nơi xa lắm, Gửi một tình yêu, Chiều hoang… Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ về lý do anh hay phổ thơ Thái Thăng Long: "Chỉ vì một điều đơn giản thôi, thơ Thái Thăng Long gần gũi với tôi. Có khi chỉ vì một tứ thơ làm tôi thấy xúc động cũng đủ để viết thành bài hát". Không chỉ đồng điệu trong thơ - nhạc, Thái Thăng Long và Phú Quang cũng là những người bạn thân thiết ở ngoài đời.
Sáng 8/12, khi nghe tin nhạc sĩ Phú Quang ra đi, từ Sài Gòn, nhà thơ Thái Thăng Long đã viết bài thơ Khóc bạn. Vĩnh biệt Phú Quang:
Bạn đi
Hà Nội buồn ngơ ngác
Tôi lặng im
Giọt nước mắt lại rơi
Bao bài hát để đời
Hoa sữa mồ côi
Những mùa đông giá
Ký ức mồ côi
Những ngày trở gió
Câu chuyện mồ côi
Đơn lẻ lại mình tôi
Bạn đi
Những con phố không nói cười
Tiếng đàn im
Giữa đêm Hà Nội
Khóc bạn
Giữa ngày dịch bệnh quanh nhà
Khóc bạn
Sáng nay
Sài Gòn trở rét
Sáng nay
Quang đã xa tôi...
Theo nhà thơ Trần Hoàng Nhân, nhạc sĩ Phú Quang là một người rất tôn trọng, quý mến các nhà thơ và được các nhà thơ quý mến, tôn trọng. Anh kể, khi nhạc sĩ còn ở Sài Gòn, anh và nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thường đến nhà ông chơi, lúc trong hẻm nhỏ gần Thị Nghè, khi ra quán Catinat trên Đồng Khởi.
"Nhạc sĩ Phú Quang thường phổ thơ, mượn ý thơ cho các ca khúc của ông. Và dù chỉ mượn 1 ý trong bài thơ ông đều ghi tên nhà thơ và trả tác quyền cho nhà thơ đàng hoàng. Điều đó không chỉ tôn trọng nhà thơ mà là tôn trọng sự sáng tạo và còn thể hiện sự chuyên nghiệp. Rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đã không làm được như Phú Quang, khi phổ thơ hay mượn ý thơ của nhà thơ mà cứ lờ đi. Nên nhớ nhạc sĩ giỏi nhạc chứ chữ nghĩa là nghề của các nhà thơ. Tôi yêu quý Phú Quang vì điều này", nhà thơ Trần Hoàng Nhân cho biết.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang có mối tâm giao với nhạc sĩ Phú Quang bắt đầu từ sự tình cờ, khi nhạc sĩ phổ bài thơ Khúc mùa thu mà vẫn chưa biết gì nhiều về tác giả. Nhưng không ngờ, theo lời nhà thơ Hồng Thanh Quang, bài hát đó trở thành ca khúc định mệnh với ông vì dường như nó đã tiên cảm trước tất cả những gì nhà thơ phải gánh chịu trong tình yêu của mình.
Sự ăn ý trong thơ, nhạc và cả cuộc sống đã là căn nguyên để nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Hồng Thanh Quang thực hiện chung 2 chương trình thơ nhạc. Hai chương trình đều lấy tên những ca khúc được Phú Quang phổ nhạc Hồng Thanh Quang: Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em (tháng 11/2013) và Anh không muốn lạc thêm em lần nữa (tháng 9/2015).
Nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ, ông không dám nói là mình hiểu hết Phú Quang nhưng có lẽ ông là một trong những người hiểu về Phú Quang đúng nhất, để kính trọng, để thương yêu, để xót xa người nhạc sĩ này trong những cảnh ngộ nhất định.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, ông và nhạc sĩ Phú Quang đã có nhiều lần trò chuyện thân tình với nhau về ca khúc Nỗi nhớ mùa đông mà nhạc sĩ phổ thơ Thảo Phương. Cách đây mấy năm, nhạc sĩ Phú Quang dã tổ chức một đêm nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội và sau đêm nhạc, Nguyễn Việt Chiến đã viết bài thơ Cho những ngày thu muộn của Phú Quang để tặng nhạc sĩ. Ông đã đọc bài thơ này cho Phú Quang nghe, không ngờ đó là kỷ niệm cuối cùng với người bạn tài danh đất Hà thành:
Sớm thu muộn trong Nhà hát Lớn
Không thể muộn hơn
Một rừng cây mọc lãng du
Trong tiếng dương cầm
Không thể quá muộn
Một rừng lá rụng lãng quên
Trong tiếng kèn trầm
Không thể muộn nữa
Anh trầm ngâm ngồi dưới
Làm khán giả của chính mình
Cho những ngày thu muộn
Chầm chậm trôi
Trong kí ức âm nhạc của chính mình
Không thể muộn hơn được nữa
Những ngày thu sắp qua
Không thể muộn
Tình yêu như con thuyền quay về bến cũ
Không thể muộn hơn
Không thể muộn nữa
Cả em và anh
Những người không cùng đi trên một con đường
Trong sắc thu vàng muộn.