Hội thảo nhằm mục tiêu nhận diện những khó khăn, thách thức của gia đình Việt Nam để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển gia đình Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Ông Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - chủ trì và điều hành hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Long- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương- nhấn mạnh 4 nội dung Hội thảo cần làm rõ là các vấn đề của gia đình cần có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước; phát triển, hoàn thiện dịch vụ xã hội để hỗ trợ gia đình; làm rõ những vấn đề cần tập trung giải quyết để giúp các gia đình trẻ, gia đình của đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định kinh tế; cần xây dựng, tổ chức thực hiện, bổ sung điều chỉnh các chính sách gia đình như thế nào.
Tham gia chủ trì Hội thảo, bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam - đề nghị, cần cụ thể hoá nhiệm vụ trong Chỉ thị 49 về sự nêu gương của cán bộ Đảng viên trong xây dựng gia đình, đưa thành 1 tiêu chí để đánh giá cán bộ. Tỷ lệ ly hôn hiện nay quá cao, vấn đề ứng xử hậu ly hôn rất nặng nề, tội phạm trẻ em phần lớn là các cháu sinh ra trong những gia đình không hạnh phúc… Cần phải giáo dục để nam nữ thanh niên cùng thay đổi, cùng nhau xây dựng gia đình. Trong tuyên truyền, giáo dục, chúng ta không khuyến khích ly hôn, cần cung cấp thông tin về giá trị gia đình hạnh phúc. Nhưng cũng cần giáo dục về văn hoá ly hôn.
6 tham luận tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề an sinh xã hội, quản lý nhà nước về gia đình, các thách thức chủ yếu trong mối quan hệ hôn nhân ở Việt Nam, chăm sóc người cao tuổi, tính tích cực xã hội của gia đình trung lưu và vấn đề đặt ra với các gia đình dân tộc thiểu số. Các nghiên cứu về chức năng kinh tế gia đình, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, quyền quyết định của người vợ, người chồng trong gia đình, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tiếp cận của gia đình với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, biến đổi giá trị con cái trong gia đình, quan điểm về chung thuỷ trong đời sống vợ chồng hiện nay… cũng được chia sẻ thông tin tại Hội thảo.