pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân Ngày Quốc khánh Pháp 14/7: Bước tiến về nữ quyền

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại lễ đóng dấu ấn vào luật tự nguyện chấm dứt thai kỳ trong Hiến pháp tại quảng trường Vendôme, Paris, ngày 8/3/2024
Khẳng định vị thế phụ nữ trong chính trị
Phụ nữ Pháp đã giành được quyền bầu cử vào ngày 21/4/1944 thông qua một sắc lệnh thời chiến do chính phủ lâm thời dưới quyền Tướng Charles de Gaulle ban hành. "Quyền bầu cử là kết quả của một cuộc đấu tranh rất lâu dài", nhà sử học Francoise Thébaud, một chuyên gia về các phong trào nữ quyền, cho biết.

Phụ nữ Pháp lần đầu tiên được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương tại Paris vào ngày 29/4/1945
Cuộc đấu tranh bắt đầu với Tuyên ngôn về Quyền của phụ nữ và nữ công dân do Olympe de Gouges soạn thảo năm 1791. Phụ nữ đòi quyền bầu cử trong các cuộc cách mạng năm 1830 và 1848. Eugénie Niboyet, người sáng lập tờ báo nữ quyền đầu tiên của Pháp La Voix des Femmes (Tiếng nói Phụ nữ) và người đồng hành Jeanne Deroin - người phụ nữ đầu tiên tranh cử vào quốc hội Pháp - là những nhân vật chủ chốt trong việc thúc đẩy tiến trình này. Năm 1876, Hubertine Auclert thành lập nhóm đầu tiên ở Pháp chuyên vận động cho quyền bầu cử của phụ nữ. Mặc dù dữ liệu bầu cử không được thu thập chính thức cho đến năm 1959, một số phụ nữ đã được bầu làm thị trưởng trong các cuộc bầu cử thành phố năm 1945. Hiện tại, hơn 40% quan chức địa phương là phụ nữ nhưng họ chỉ chiếm 20% số thị trưởng.
Theo trang web của Thượng viện Pháp, trong cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức vào ngày 21/10/1945, chỉ 33 trong số 586 nhà lập pháp được bầu vào Quốc hội là phụ nữ. Năm 1958, con số này là 8. Hiện nay, có 208 nữ nghị sĩ được bầu trong cuộc bầu cử quốc hội, chiếm 36%.

Quốc hội Pháp
Chính phủ Pháp đã thông qua một chiến lược mới, đặt quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như bình đẳng giới vào trọng tâm chính sách đối ngoại. Chiến lược quốc tế mới nhất về chính sách đối ngoại nữ quyền, được công bố vào tháng 4 vừa qua, kéo dài từ năm 2025 đến năm 2030, đặt bình đẳng giới làm ưu tiên "trong mọi lĩnh vực hoạt động tại châu Âu và quốc tế… không có ngoại lệ", bao gồm: Hòa bình và an ninh, khí hậu và môi trường, hoạt động nhân đạo, kinh tế và thương mại, y tế, giáo dục và công nghệ số. Chiến lược này tập trung vào 5 trụ cột cốt lõi: Bảo vệ quyền và tự do; thúc đẩy sự tham gia và đại diện trong mọi quá trình ra quyết định; đấu tranh chống bất bình đẳng giới; chống bạo lực giới; huy động tài chính để hướng tới bình đẳng giới. 13 cam kết ưu tiên bao gồm thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe và quyền sinh sản, sức khỏe tình dục, tăng cường triển khai Quỹ Hỗ trợ các Tổ chức Nữ quyền và bảo vệ quyền phụ nữ trong môi trường kỹ thuật số.

Các nữ nghị sĩ
Chính phủ cho biết sẽ thực hiện điều này bằng cách tạo điều kiện cho "đối thoại mạnh mẽ" về quyền phụ nữ và trẻ em gái cũng như bình đẳng giới với tất cả các quốc gia, bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia được xây dựng dựa trên sự hợp tác với xã hội dân sự và thúc đẩy chuyên môn và nghiên cứu quốc tế. Chiến lược mới này - phù hợp với Kế hoạch Liên bộ về Bình đẳng giới giai đoạn 2023-2027 của Pháp - là chính sách đối ngoại nữ quyền mới nhất của Pháp, sau khi thông qua chính sách đầu tiên vào năm 2019. Đây là quốc gia thứ tư áp dụng chính sách đối ngoại nữ quyền - sau Thụy Điển, Canada và Luxembourg.
Pháp đã đồng tổ chức Diễn đàn Thế hệ Bình đẳng với Liên hợp quốc và Mexico vào năm 2021, nơi 40 tỷ USD đã được cam kết để thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn thế giới. Pháp cũng trở thành nhà tài trợ hàng đầu thế giới cho các tổ chức nữ quyền.
Tăng cường bảo vệ phụ nữ
Năm 2025, Pháp kỷ niệm 50 năm luật Veil được Quốc hội thông qua, cho phép phụ nữ được phép nạo phá thai. Sử gia Bibia Pavard nhấn mạnh, dẫu cho cuộc đấu tranh về quyền phá thai đã thu hút các nhà nữ quyền từ đầu thế kỷ XX nhưng phải đến tận cuối những năm 1960, đầu những năm 1970 thì chấm dứt thai kỳ tự do và miễn phí mới được đặt vào tâm điểm phong trào đấu tranh nữ quyền tại Pháp. Tránh thai được hợp pháp hóa vào năm 1967, phải đến năm 1975 luật Veil về nạo phá thai (đạo luật đặt theo tên Bộ trưởng Y tế Pháp thời đó là Simone Veil) mới được ban hành.
Ngày 8/3/2024, Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì lễ đóng dấu ấn vào đạo luật ghi quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ vào Hiến pháp. Việc này đưa nước Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mà quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ được Hiến pháp công nhận và bảo vệ.
Ngày 25/11/2024, chính phủ Pháp đã công bố các biện pháp mới nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ. Thủ tướng Pháp Michel Barnier cam kết rằng "sẽ không có bất kỳ sự dung thứ nào đối với bạo lực đối với phụ nữ" và cho biết "cần phải làm nhiều hơn nữa". Chính phủ Pháp công bố việc mở rộng hệ thống cho phép nạn nhân nữ bị bạo lực nộp đơn khiếu nại tại bệnh viện có khoa cấp cứu hoặc khoa phụ sản. Mặc dù hệ thống này, theo đó bệnh viện tự liên hệ với cảnh sát hoặc văn phòng công tố để khiếu nại, đã có mặt tại nhiều bệnh viện ở Pháp nhưng sẽ được mở rộng đến 377 cơ sở vào cuối năm 2025.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier trò chuyện với các nhân viên y tế trong chuyến thăm "Nhà Phụ nữ AP-HP" tại Paris ngày 25/11/2024
Chính phủ tăng cường viện trợ khẩn cấp phổ cập để giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình và hỗ trợ họ khi họ rời khỏi nhà. Theo chính phủ, ngân sách cho khoản hỗ trợ này sẽ tăng từ 13 triệu euro trong dự luật tài chính năm 2024 lên 20 triệu euro năm 2025. Biện pháp này đã mang lại lợi ích cho 33.000 người, với mức hỗ trợ trung bình 800 euro, kể từ khi được triển khai vào cuối năm 2023. Kế hoạch của chính phủ cũng kêu gọi mỗi sở ban ngành khu vực của Pháp phải có một trung tâm chuyên trách về phụ nữ vào cuối năm 2025. Ngoại trưởng Salima Saa cho biết, đã đạt được mức tăng 10% trong ngân sách dành cho bình đẳng giới, lên tới 85,1 triệu euro (tăng 7,7 triệu euro) trong Kế hoạch Hành động vì Bình đẳng Giới 2025. Tuy nhiên, cần 2,6 tỷ euro cho một kế hoạch thực sự chống phân biệt đối xử.