Nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10): “Thế hệ kỹ thuật số của chúng ta”

Nhu Thụy
11/10/2021 - 12:39
Nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10): “Thế hệ kỹ thuật số của chúng ta”

Giúp trẻ em gái tiếp cận Internet và công nghệ Ảnh: unicef.org

Đó là chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay. Chủ đề này được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến việc học tập của trẻ em trên toàn thế giới. Hòa nhập kỹ thuật số và xóa mù chữ được xem là chìa khoá để mở ra con đường học tập, hỗ trợ công việc và khả năng lãnh đạo trong tương lai của trẻ em gái.
Thu hẹp khoảng cách giới trong kỹ thuật số

Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cùng với các cơ quan khác của Liên hợp quốc (LHQ), các tổ chức xã hội dân sự và trẻ em gái trên toàn thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay với chủ đề "Thế hệ kỹ thuật số của chúng ta". UN Women kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng với Internet và thiết bị kỹ thuật số cho trẻ em gái và đầu tư có mục tiêu để tạo điều kiện cho trẻ em gái có cơ hội tiếp cận, sử dụng và thiết kế một cách an toàn, có ý nghĩa.

Hòa nhập kỹ thuật số và xóa mù chữ mở ra những con đường mới để học tập, kiếm tiền và khả năng lãnh đạo cho trẻ em gái, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm sâu sắc thêm sự phân chia giới xung quanh việc kết nối và an toàn trực tuyến. Trong đó trẻ em gái phải đối mặt với các rào cản kinh tế và xã hội trong truy cập Internet và các thiết bị.

Đầu năm nay, Diễn đàn "Bình đẳng thế hệ" đã đặt công nghệ và đổi mới là ưu tiên trong các cuộc trao đổi mang tính toàn cầu về bình đẳng giới. Các nhà lãnh đạo từ các tổ chức xã hội dân sự, chính phủ, khu vực tư nhân và các phong trào thanh niên đã cam kết xây dựng xã hội kỹ thuật số hòa nhập hơn thông qua việc cung cấp cơ hội bình đẳng cho trẻ em gái, đặt trẻ em gái và phụ nữ vào trung tâm của việc thiết kế và học hỏi các giải pháp cho thế giới kỹ thuật số.

Nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10): “Thế hệ kỹ thuật số của chúng ta” - Ảnh 1.

Giúp trẻ em gái tiếp cận Internet và công nghệ

Năm 2021, Diễn đàn "Bình đẳng thế hệ" đã đưa ra các cam kết 5 năm về các giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy bình đẳng giới ngay khi thế giới bước vào năm thứ hai của đại dịch Covid-19. Trong khi đại dịch làm gia tăng các nền tảng kỹ thuật số để học tập, kiếm tiền và kết nối, khoảng 2,2 tỷ người dưới 25 tuổi vẫn không có quyền truy cập Internet tại nhà, tập trung nhiều nhất ở trẻ em gái. Khoảng cách giới đối với người dùng Internet toàn cầu đã tăng từ 11% vào năm 2013 lên 17% năm 2019. Ở các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, con số này hiện dao động khoảng 43%. Trên toàn cầu, tỷ lệ nữ trong số các sinh viên tốt nghiệp các ngành Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học (STEM) là dưới 15% ở hơn 2/3 số quốc gia. Mặt khác, ở các quốc gia có thu nhập trung bình, chỉ 14% trẻ em gái đạt thành tích cao trong Khoa học hoặc Toán học được mong đợi làm việc trong các lĩnh vực này, so với 26% ở trẻ em trai.

Khoảng cách giới trong kỹ thuật số không chỉ là kết nối. Trẻ em gái cũng ít có khả năng sử dụng và sở hữu các thiết bị hơn trẻ em trai cũng như tiếp cận với các kỹ năng, công việc liên quan đến công nghệ. Chỉ bằng cách giải quyết sự bất bình đẳng, chúng ta mới có thể mở ra một cuộc cách mạng kỹ thuật số cho tất cả mọi người. Trong thế giới số hóa, với 90% công việc tương lai đòi hỏi hiểu biết về kỹ năng số, việc tiếp cận bình đẳng về công nghệ và cơ hội học tập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm trẻ em gái được hưởng lợi từ cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và cũng là giải pháp then chốt để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vì phát triển bền vững.

Hiện nay, thách thức lớn là đào tạo để trang bị cho trẻ em gái hiểu biết về công nghệ và kỹ năng số nhằm tận dụng hiệu quả công nghệ số, nắm bắt những cơ hội phát triển của thế kỷ 21. Đồng thời, cần tiếp tục tìm giải pháp cho vấn đề thu hẹp khoảng cách giới, trong đó có khoảng cách số, xóa bỏ định kiến giới, dỡ bỏ các rào cản chính sách về phân biệt đối xử trên cơ sở giới...

Sáng kiến "Cô gái châu Phi"

Hợp tác với Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) và Đơn vị Viễn thông Quốc tế (ITU), UN Women đã triển khai Sáng kiến "Cô gái châu Phi" giúp lập mã để đào tạo cho trẻ em gái châu Phi về các kỹ năng công nghệ và mã hóa quan trọng. Ra mắt từ năm 2018, giai đoạn đầu tiên của Sáng kiến "Cô gái châu Phi" đã đào tạo 600 trẻ em gái, phát triển hướng dẫn về lồng ghép công nghệ thông tin, giới tính và mã hóa trong chương trình giảng dạy quốc gia trên khắp châu lục, khởi chạy nền tảng eLearning và tổ chức một loạt hội thảo trên web giữ cho việc học tiếp tục được diễn ra trong đại dịch.

Nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10): “Thế hệ kỹ thuật số của chúng ta” - Ảnh 2.

Trẻ em gái cũng ít có khả năng sử dụng và sở hữu các thiết bị hơn trẻ em trai cũng như tiếp cận với các kỹ năng, công việc liên quan đến công nghệ.

Tháng 8/2021, UNICEF New Zealand và sàn giao dịch tiền điện tử Bybit hợp tác hỗ trợ nghiên cứu sâu rộng về kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em gái trên toàn khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Điều này rất quan trọng khi tác động của đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn việc học tập của hàng triệu trẻ em. Ngoài ra, sự đóng góp này sẽ tăng cường, mở rộng quy mô và thực hiện thí điểm giáo dục STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học) cho trẻ em gái ở các miền núi xa xôi. Trẻ em gái và phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong các giải pháp khoa học và công nghệ giúp cứu sống con người và tăng trưởng kinh tế. Do đó, trẻ em cần tiếp tục được hỗ trợ một cách khẩn cấp, đặc biệt là trẻ em gái học kỹ thuật số, các môn học STEAM. Các giải pháp sáng tạo là tối quan trọng để đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Một trong những giải pháp giáo dục sáng tạo là sử dụng thực tế tăng cường và thực tế ảo vì nó sẽ giúp trẻ em gái dễ bị tổn thương được học tập bằng cách tham gia trực tiếp vào chủ đề STEAM thông qua trò chơi và trải nghiệm tương tác nhập vai. Các em sẽ phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành người sử dụng, định hình và sáng tạo kiến thức khoa học và công nghệ mới. Trẻ em gái sẽ có khả năng lớn hơn trong việc chọn các kỹ năng các em muốn học và cách áp dụng, giúp các em có khả năng đóng góp cho một thế giới bình đẳng giới.

Trong thời gian việc phong tỏa vì Covid-19 diễn ra ở nhiều nước, năm 2020, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính rằng 80 triệu trẻ em ở Đông Á Thái Bình Dương không thể tiếp cận bất kỳ hình thức học tập nào. UNICEF sẽ tiếp tục tìm ra các giải pháp sáng tạo để chuyển đổi kỹ thuật số hệ thống giáo dục và nắm bắt công nghệ để cung cấp cơ hội học tập đa dạng hơn cho trẻ em gái.

Theo LHQ, trẻ em gái cần nắm bắt các giải pháp để vượt trội trên con đường của mình với tư cách là nhà công nghệ để tận hưởng niềm vui và khám phá tiềm năng vô hạn. Hãy cùng phát triển sự đa dạng của những công nghệ tiên phong, đồng thời mở rộng con đường để mọi cô gái, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, khả năng, tình trạng kinh tế và nguồn gốc địa lý, được phát huy hết khả năng của mình.


Nguồn: UN Women, UNICEF
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm