pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ 2/4: Hãy biết ơn vì bạn có một đứa con bình thường khỏe mạnh
Họa sĩ, diễn viên Lương Giang là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc mở lớp học vẽ tranh miễn phí cho trẻ tự kỉ
Là người làm trong lĩnh vực giáo dục cũng như tư vấn tâm lý hơn một thập kỷ qua, tiếp xúc với hàng ngàn phụ huynh và học sinh, chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền (CEO Tài Năng Việt) chia sẻ, chị thực sự cảm phục những ông bố bà mẹ đã đồng hành cùng với đứa con "đặc biệt" trong suốt quá trình lớn lên. Và cũng từ đó, chị thực sự mong muốn những bậc phụ huynh hãy biết ơn cuộc đời vì mình có những đứa con khỏe mạnh bình thường, bớt áp lực, kỳ vọng quá lớn lên các con để ngày càng ít đi những "lời kêu cứu" đối với những chuyên gia tâm lý như chị.
Nhọc nhằn đồng hành cùng với những đứa trẻ có nhiều khác biệt
Chị Hiền cho biết, chị đã từng chứng kiến một vài trường hợp gia đình có con tự kỷ đã phải vất vả ra sao để tập cho con từng hoạt động cơ bản – điều trở nên quá đỗi đơn giản đối với một đứa trẻ bình thường.
Chị kể: "Tôi biết có một ông bố ở trong khu gần nhà tôi. Anh đã nghỉ việc chỉ để hàng ngày dẫn con tập đi, hướng dẫn con rèn luyện vận động tay chân. Và hầu như ngày nào trên đường đi làm tôi cũng bắt gặp cảnh tượng như vậy.
Rồi một trường hợp khác. Có nhiều hôm khi đang ngồi chơi giữa công viên, tôi thấy có người mẹ hướng dẫn con tập leo từng bước lên quả đồi. Tôi quan sát thấy, mỗi bước con đi đều có sự động viên khích lệ bằng tiếng vỗ tay, lời nói động viên của người mẹ. Tôi thấy người mẹ ấy cực kỳ kiên nhẫn, cứ mấy tiếng đồng hồ như vậy mỗi ngày. Lần nào chứng kiến khung cảnh tượng đó, trong tôi cũng trào dâng lên niềm cảm phục đối với những ông bố bà mẹ sống xung quanh mình có những người con "đặc biệt". Bởi lẽ cũng là một người mẹ của 3 con, tôi hiểu rằng để chăm sóc được một đứa trẻ "đặc biệt" thì bố mẹ phải dành nhiều thời gian công sức như thế nào. Điều đáng nói là khi quan sát, tôi không thấy ở họ có sự đau khổ hay buồn phiền mà lại toát lên sự chấp nhận trong bình an. Khi đã chấp nhận được con mình là một đứa trẻ "đặc biệt", rồi chỉ cần con bước được 1-2 bước, nói được 1-2 từ tròn vành, rõ nghĩa là họ đã cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và thậm chí có phần sung sướng".
Trong thực tế, đã có rất nhiều câu chuyện rất cảm động về hành trình đồng hành thành công của nhiều bậc cha mẹ có con tự kỷ. Bằng sự chấp nhận, lòng kiên trì và tình yêu vô điều kiện, họ đã giúp cho con mình "tái sinh" lần 2 thành những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Tất nhiên, hành trình ấy đầy gian nan và chắc chắn không thiếu những giọt nước mắt.
Cảm nhận may mắn khi có những đứa con bình thường
Mỗi lần chứng kiến 2 cảnh đời khác nhau nhưng cùng có một điểm chung là có những đứa con "đặc biệt" kể trên, chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền lại nhớ đến những cuộc điện thoại, những tin nhắn inbox cho chị cũng như đội ngũ ekip tư vấn. Ngoài những trường hợp bố mẹ thật sự cần giúp đỡ thì không ít bố mẹ đã căng thẳng quá mức khi con có những hành vi không đúng ý mình. Ví dụ như con không đạt đủ điểm để đỗ vào ngôi trường bố mẹ kỳ vọng; Con không chịu ăn nhiều rau, con mải chơi không tập trung học, con không được học sinh giỏi, con có biểu hiện yêu đương…
Những câu chuyện như vậy chị Hiền gặp thường xuyên, hàng ngày và quá quen thuộc ở công ty tư vấn của chị. Và khi trò chuyện, chị Hiền nhận thấy rằng đa số các bậc phụ huynh rơi vào tình trạng này đều đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào các con. Và khi con không đạt được điều như bố mẹ kỳ vọng, cả hai đều cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Bố mẹ không hài lòng về con, quay ra chỉ trích con; Con thì thấy mình thật tệ, kém cỏi phụ lòng cha mẹ… Từ đó sinh ra những thói hư tật xấu và đến thời kỳ mất kiểm soát...
Vì thế, chị Hiền luôn nghĩ rằng, nếu các bố mẹ có con bình thường khỏe mạnh thử đặt mình vào vị trí làm cha mẹ của những đứa trẻ "đặc biệt" thì sẽ như thế nào? Liệu họ có nhận ra sự may mắn của mình hay không? Trong khi những bố mẹ có con "đặc biệt" biết chấp nhận, biết vui vẻ, biết hài lòng, biết hạnh phúc với những điều cực kỳ nhỏ nhoi thì liệu có phải những bố mẹ khác có đang quá "tham lam" hay không? Điều quan trọng hơn là những mong muốn được cho là chính đáng đó đôi khi lại gây ra những nỗi đau, sự bất hạnh cho chính con cái của họ?
"Tôi vẫn nhớ mãi bài viết của một người mẹ có con tự kỷ đã từng viết trên nhóm tự kỷ có nội dung rằng: Khi vào siêu thị thấy một em bé ăn vạ khóc đòi mẹ mua bim bim, người mẹ quát mắng không cho. Đứa bé vừa khóc vừa mếu nói rằng Mẹ ơi! Mẹ mua bim bim cho con! Và người mẹ có con tự kỷ khi nghe và chứng kiến cảnh tượng đó thì đã ước rằng nếu như con của mình có thể nói câu đó rõ ràng như vậy thì người mẹ có thể sẵn sàng mua tất cả bim bim có trong siêu thị đó cho con.
Tôi hiểu rằng điều đó nói lên ước muốn khát khao quá đỗi bình thường của những người cha người mẹ có con "đặc biệt". Và tôi chợt nghĩ, nếu các bậc cha mẹ có con khỏe mạnh mà đang phàn nàn về con quá nhiều có được một phần của sự kiên trì, nhẫn nại, yêu thương vô điều kiện của những ông bố bà mẹ có con "đặc biệt" thì hẳn các con sẽ có một cuộc sống vui vẻ, bình an và hạnh phúc hơn" – Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền xúc động chia sẻ.
"Thêm một chút nhắn nhủ rằng, thời gian gần đây tôi nhận được rất nhiều những tin nhắn nói về việc vì hoàn cảnh mà muốn bỏ thai. Mong rằng, ai đó đang có ý định bỏ thai đọc những chia sẻ này của tôi, sẽ thấy mình may mắn khi có được thêm một sinh linh bé nhỏ khỏe mạnh bình thường, giữ gìn sự sống cho đứa con trong bụng. Bởi lẽ, ở ngoài kia vẫn còn biết bao nhiêu người muốn được một lần làm mẹ mà chưa thành và cũng có biết bao nhiêu người với tất cả sự hy sinh, cố gắng nỗ lực của mình chỉ để giúp những đứa con "đặc biệt" thành những đứa trẻ bình thường…" - Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền - CEO Tài Năng Việt chia sẻ.
Nói như vậy để thấy rằng, chẳng ai muốn rơi vào hoàn cảnh phải kiên trì, nhẫn nại với những đứa trẻ "đặc biệt" nhưng chính trong những tình huống buộc phải chấp nhận ấy, những bậc cha mẹ có con tự kỷ lại toát lên được những phẩm chất tốt đẹp ấy. Và thực tế đã chứng minh, rất nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra, bằng tình yêu thương vô điều kiện, bằng sự kiên trì và hy sinh tất cả những gì đang có, rất nhiều những đứa trẻ "đặc biệt" đã được bố mẹ đồng hành và trở thành những đứa trẻ bình thường.
Thay vì than vãn, lo lắng quá mức, các bậc cha mẹ có con với trí tuệ bình thường khỏe mạnh cố gắng bớt chút thời gian của mình để đồng hành cùng các con, chơi cùng các con, chia sẻ với các con…