Nhật Bản: Chưa tới 8% nam giới nghỉ phép để chăm sóc con cái

Nam Anh
21/10/2020 - 17:09
Nhật Bản: Chưa tới 8% nam giới nghỉ phép để chăm sóc con cái
Nhật Bản đã ban hành luật đồng ý cho người lao động được nghỉ phép để chăm sóc con cái từ năm 1991. Gần 3 thập kỷ đã trôi qua nhưng đến nay, chỉ chưa đến 8% nam giới Nhật Bản áp dụng quy định này.

Theo khảo sát gần đây của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chỉ có 7,48% nam giới Nhật Bản nghỉ phép để chăm sóc con cái trong năm tài chính 2019. Trong khi đó, ở phụ nữ, tỷ lệ này là 83%. Năm 2004, tỷ lệ nghỉ chăm sóc con cái của đàn ông và phụ nữ Nhật Bản lần lượt là 0,56% và 70,6%.

Cuộc khảo sát đã được gửi đến 6.029 doanh nghiệp có ít nhất 5 nhân viên ở Nhật Bản và Ban tổ chức đã nhận được 3.460 câu trả lời hợp lệ. Mục đích của cuộc khảo sát là tìm ra những trường hợp sinh từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018 có bao nhiêu phần trăm ông bố, bà mẹ đang đi làm và bắt đầu xin nghỉ phép để chăm sóc con cái trước tháng 10/2019.

Cũng trong năm tài chính 2019, 93,2% doanh nghiệp có quy mô từ 30 nhân viên trở lên, có chế độ nghỉ phép cho người lao động để chăm sóc trẻ em, bằng mức của năm tài chính 2017. Đối với các doanh nghiệp có từ 5 nhân viên trở lên, có 79,1% đã áp dụng chế độ này.

Thấp cả chất lẫn lượng

Theo phân tích của các chuyên gia tiến hành khảo sát, doanh nghiệp có quy mô càng lớn, thì các nhân viên càng có nhiều cơ hội áp dụng việc nghỉ phép để chăm sóc con cái. Tỷ lệ cụ thể như sau: 99,8% đối với các doanh nghiệp có quy mô từ 500 nhân viên trở lên, 98,8% cho các doanh nghiệp có từ 100 đến 499 nhân viên, 91,9% cho doanh nghiệp có 30–99 nhân viên và 76,1% cho doanh nghiệp có 5–29 nhân viên.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ nhân viên áp dụng việc nghỉ phép để chăm sóc con cái cũng khác nhau theo độ tuổi của chính những đứa con của họ. Có 56,7% doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ phép để chăm con cái cho đến khi chúng được 2 tuổi, phù hợp với luật pháp Nhật Bản (so với 52,2% trong năm tài chính 2017); 33% doanh nghiệp được khảo sát đề nghị chỉ nên áp dụng việc nghỉ phép để chăm sóc con cái đối với trường hợp trẻ dưới 2 tuổi (so với 36,3% năm 2017) và 7,5% doanh nghiệp chấp nhận chuyện nghỉ phép để chăm sóc con cái đối với cha mẹ có con từ 2 đến 3 tuổi.

Luật pháp Nhật Bản cho phép cả nam và nữ nghỉ làm nhiều nhất là 1 năm sau khi sinh con - Ảnh: AFP

Luật pháp Nhật Bản cho phép cả nam và nữ nghỉ làm nhiều nhất là 1 năm sau khi sinh con - Ảnh: AFP

Hiện nay, luật pháp Nhật Bản cho phép cả nam và nữ nghỉ làm nhiều nhất là 1 năm sau khi sinh con. Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích đàn ông tham gia chế độ "nghỉ thai sản" dành cho nam giới, nhất là trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và dân số già đi nhanh chóng. Một trong những cách quan trọng để thay đổi tỷ lệ sinh thấp ở Nhật Bản là phân chia lại và cân bằng chuyện làm việc nhà tại mỗi gia đình.

Khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, nếu người chồng càng dành nhiều thời gian làm việc nhà, khả năng người vợ tiếp tục sinh con thứ hai sẽ cao hơn. Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh chính sách kinh tế trọng phụ nữ (Womenomics) nhằm tăng cơ hội đi làm và phát triển sự nghiệp cho phái đẹp. Mặc dù vậy, sự thay đổi diễn ra khá chậm chạp bởi rất ít đàn ông Nhật Bản tận dụng quy định nghỉ phép này để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Không chỉ ít về số lượng, "chất lượng" trong vai trò làm bố của đàn ông Nhật Bản cũng rất thấp. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đàn ông Nhật Bản làm việc nhà ít nhất trong số các quốc gia phát triển. Điều này có nghĩa là, dù có xin nghỉ phép để chăm sóc con cái, đàn ông Nhật Bản cũng rất lười "đụng tay, đụng chân" khi ở nhà. Trong khi đó, phụ nữ tại Xứ sở mặt trời mọc lại có thời gian ngủ ít nhất, cũng theo thống kê của OECD.

Nguồn: nippon.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm