Nhiều bộ, ngành ‘quên’ công khai ngân sách theo luật định

30/07/2019 - 15:16
Nhiều bộ, ngành có mức thu và chi ngân sách hàng quý, hàng năm rất lớn, song lại không công bố báo cáo công khai và minh bạch về ngân sách theo như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Phát biểu tại Hội thảo công bố “Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2018” do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức sáng 30/7 tại Hà Nội, ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), chuyên gia tài chính công cho biết, kết quả chỉ số công khai và minh bạch ngân sách năm 2018 là một bảng kết quả “rất đáng buồn”.
 
“Nhiều bộ, ngành cấp Trung ương không công khai minh bạch ngân sách hoặc công khai ở mức rất thấp. Có những bộ có mức chi tiêu ngân sách nhà nước nhiều nhất là Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính thì mức độ công khai minh bạch ngân sách lại rất hạn chế”, ông Cường nhận xét.
 
20190730_110748.jpg
Hội thảo công bố “Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2018” do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức sáng 30/7 tại Hà Nội.

 

Theo ông Cường, trong đánh giá về mức độ công khai và minh bạch ngân sách cũng cần phải có sự công bằng giữa các địa phương. Thực tế cho thấy, mức độ công bố ngân sách giữa các địa phương có sự khác nhau do thu và chi có sự khác nhau.
 
“Đơn cử như TP HCM, trong năm 2017 bị xếp hạng minh bạch ngân sách rất thấp, trong khi tỉnh Vĩnh Long lại ở mức cao, tuy nhiên so sánh về mức độ thu và chi ngân sách giữa hai địa phương này thì khác biệt nhau rất lớn. Tỉnh Vĩnh Long thu và chi ngân sách ở mức thấp, trong khi đó, TP HCM lại là địa phương đứng đầu cả nước về thu và chi ngân sách, chỉ tính thu ngân sách đã bằng ¼ tổng thu ngân sách nhà nước, các hạng mục dành cho thu và chi rất lớn, do vậy, việc TP HCM đưa ra các báo cáo công khai minh bạch ngân sách như vậy cũng được xem là rất tốt rồi”, ông Phạm Đình Cường dẫn chứng.
 
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện tài chính, đại diện nhóm khảo sát, cho biết MOBI 2018 đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC.
 
Cụ thể, các báo cáo ngân sách sẽ bao gồm các nội dung như dự toán thu - chi ngân sách đơn vị năm 2019, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1 năm 2018, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 6 tháng đầu năm 2018, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 9 tháng đầu năm 2018, báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 và quyết toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2017.
 
20190730_102611.jpg
Nhiều bộ, ngành có mức thu và chi ngân sách hàng quý, hàng năm rất lớn, song lại không công bố báo cáo công khai và minh bạch về ngân sách theo như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch ngân sách, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận xét: “Trong số 37 cơ quan, đơn vị được khảo sát, chỉ có 17 cơ quan thực hiện công khai ngân sách nhưng ở mức độ rất thấp. Tôi cho rằng mỗi người dân hãy quan tâm tới ngân sách nhiều hơn vì mỗi đồng ngân sách đều là tiền của người dân của chính mình. Người dân luôn yêu cầu Nhà nước chi tiêu hiệu quả nhưng lại chưa thực sự quan tâm. Nên nhớ người dân là chủ, Nhà nước chỉ là người đại diện của dân, đừng cho rằng chuyện ngân sách nhà nước không liên quan tới mình”.
 
Kết quả khảo sát MOBI 2018 cho thấy, các bộ, cơ quan trung ương ít công khai các tài liệu ngân sách. Trong số 37 bộ, cơ quan trung ương tham gia khảo sát MOBI 2018, chỉ có 12 cơ quan, tổ chức có công khai ít nhất 1 trong 6 tài liệu ngân sách bắt buộc công khai (chiếm 32,43%). Có 25 bộ, cơ quan trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (chiếm 67.57%). Trong đó, có 5 đơn vị chỉ có thư mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử mà không có tài liệu ngân sách đính kèm (gồm có Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông).
 
Trong thang điểm 100, cơ quan có mức độ công khai minh bạch ngân sách cao nhất là Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng chỉ đạt 21,91 điểm. Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ đứng ở vị trí thứ 3 với số điểm 18,52/100 điểm, Bộ Công Thương ở vị trí thứ 4 với 17,91 điểm trên thang điểm 100. Đáng chú ý, có 20 cơ quan không có bất kỳ tài liệu ngân sách nào được công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát như: Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM...
 
Về tính kịp thời, các bộ, cơ quan trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 10 đơn vị có công bố tài liệu về dự toán ngân sách năm 2019, chỉ có duy nhất Bộ Công Thương là đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31-12-2018. Đối với tài liệu về quyết toán ngân sách năm 2017, có 4 trên tổng số 6 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định bao gồm Bộ Nội vụ; Đài Truyền hình Việt Nam; Uỷ ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Các tài liệu còn lại gồm báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 không được công khai hoặc công khai muộn hơn so với thời hạn quy định.
 
Về tính đầy đủ, Bộ Công Thương là đơn vị duy nhất công khai đầy đủ thuyết minh tài liệu, quyết định công khai và bảng biểu đính kèm dự toán thu – chi ngân sách của đơn vị năm 2019 với 12,4/13 điểm (95% số điểm).
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm