pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách giúp phụ nữ vùng cao "né" rủi ro khi mua sắm online
Các thành viên tổ liên kết trồng cây gai xanh (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với thế giới.
Giữa hai dãy núi Hoàng Liên Sơn (phía Tây Bắc) và Con Voi (phía Đông Nam) của huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Mông, Dao, Thái... Công việc chính của những người phụ nữ nơi đây là đi rừng, làm nông. Và hành trang không thể thiếu của họ mỗi khi đi làm là chiếc điện thoại thông minh.
Sau khi hoàn thành xong công việc chăm sóc ruộng cây gai xanh, chị Lương Thị Thủy (xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) và các chị em trong tổ liên kết tranh thủ xem những đoạn clip biểu diễn ca nhạc trên mạng. Họ xem để học theo các điệu múa hát để chuẩn bị cho đợt văn nghệ sắp tới.
Không chỉ có vậy, khi được hỏi: "Các chị có mua hàng trên mạng không?", hầu hết đều trả lời: "Có chứ, mình có mua". "Đây này, mở Facebook, Shopee, Lazada ra, mình có thể mua từ quần áo, giày dép đến son môi, sữa tắm...", chị Lương Thị Hương, dân tộc Tày, trú tại thôn Bản Mạ, xã Khánh Yên Hạ, vừa mở điện thoại di động vừa chỉ vào các ứng dụng mua sắm chị thường sử dụng để xem và mua hàng online.
Tiện lợi nhưng tiềm ẩn rủi ro
"Các chị ở vùng cao, không tiện ra chợ để mua hàng mà hàng hóa ở chợ không nhiều mẫu mã như hàng trên mạng. Vì vậy, nhiều chị em đã biết cách mua hàng online, được giao hàng tận nhà, tiện lợi lắm", chị Lương Thị Thủy chia sẻ thêm.
Nhưng đi kèm với tiện lợi, là không ít rủi ro mà họ gặp phải khi mua hàng online. Chị Triệu Thị Liều (dân tộc Dao) kể, có lần chị đặt mua quần áo online, nhìn trong ảnh thì đẹp lắm nhưng đến khi nhận hàng, mở ra, món đồ không giống như hình quảng cáo. Lần đó, chị cẩn thận kiểm tra hàng khi nhận và người bán có chính sách đổi trả món hàng nếu không ưng nên chị Liều trả lại được món hàng.
Còn với người cháu của chị Lương Thị Thủy thì không được như vậy. Khi nhận món hàng là một chiếc áo vest, phát hiện áo bị rách, chị tìm mọi cách nhưng không liên hệ được với người bán. Ở vùng cao, đường sá xa xôi, phương tiện đi lại hạn chế nên không thể đến cửa hàng để bắt đền, đành phải chịu mất tiền oan.
Tận dụng internet, lập nhóm chia sẻ kinh nghiệm
Rủi ro khi mua sắm online có thể xảy ra với bất kỳ chị em nào. Vì vậy, các cấp Hội LHPN tại địa phương luôn lồng ghép nội dung tuyên truyền vào trong các buổi sinh hoạt, để giúp chị em biết cách mua sắm an toàn.
Chị Vi Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Bàn, cho biết, có một hình thức tuyên truyền, vận động hiệu quả đang được các chi hội áp dụng. Đó là tận dụng internet, lập các nhóm trên mạng xã hội để gửi nội dung tuyên truyền. Thay vì đi từng nhà như trước, giờ đây, người quản trị nhóm chỉ cần gửi thông báo đến nhóm, đưa các thông tin tuyên truyền, kiến thức, kỹ năng lên nhóm.
Chị em có thể cập nhật thông tin nhanh chóng. Những chia sẻ, bài học kinh nghiệm được cập nhật thường xuyên sẽ trang bị thêm kiến thức, giúp chị em có kỹ năng mua sắm online tốt hơn.