Nhiều cách làm thiết thực, mang tính bền vững trong công tác giúp đỡ người nghèo ở Hà Nội

PV - Ảnh: Quang Vinh
17/10/2024 - 11:48
Nhiều cách làm thiết thực, mang tính bền vững trong công tác giúp đỡ người nghèo ở Hà Nội

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội - trình bày tham luận tại Đại hội

Trong khuôn khổ phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, bà Nguyễn Lan Hương- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội - đã trình bày tham luận về Những kết quả và kinh nghiệm của MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo đảm an sinh xã hội.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, thực hiện hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố luôn xác định công tác chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đã tích cực triển khai vận động ủng hộ các quỹ an sinh xã hội, thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên địa bàn cả nước.

"Nhiệm kỳ 2019-2024 vừa qua, thành phố Hà Nội triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng chính trong những khó khăn, thách thức ấy, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam lại được thổi bùng lên bằng những hoạt động sẻ chia, tương thân, tương ái của cả cộng đồng" - bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Hưởng ứng Phong trào "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động; Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", Mặt trận các cấp thành phố tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm khối đại đoàn kết, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào trong các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, góp của, góp sức ủng hộ các Quỹ do Mặt trận phát động.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố duy trì hoạt động tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô hưởng ứng ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp, đặc biệt, năm 2020 phát động ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; năm 2021, 2022 vận động ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19, Chương trình sóng và máy tính cho em của Thành phố, qua đó, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, tạo thêm nguồn lực góp phần cùng Đảng và Nhà nước từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều cách làm thiết thực, mang tính bền vững trong công tác giúp đỡ người nghèo ở Hà Nội- Ảnh 1.

Các đại biểu lắng nghe tham luận

Với sự linh hoạt, kịp thời trong triển khai vận động các Quỹ, bà Nguyễn Lan Hương chia sẻ MTTQ các cấp thành phố Hà Nội đã tạo sức lan tỏa, thu hút được sự tham gia của cả cộng đồng, với những kết quả cụ thể: Tuyên truyền vận động Nhân dân chủ động phòng chống dịch và chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch với tổng giá trị trên 1.300 tỷ đồng; vận động Quỹ "Cứu trợ" để ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ với số tiền 100 tỷ đồng; 45 triển khai có hiệu quả các đợt vận động: ủng hộ Quỹ "Vì biển đảo Việt Nam" trên 252 tỷ đồng; tiếp nhận đăng ký và ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp với trên 411 tỷ đồng, phát động và tiếp nhận trên 17 tỷ đồng tiền mặt ủng hộ Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Đặc biệt đã có nhiều cách làm mới, thiết thực, mang tính bền vững trong giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5.099 Nhà đại đoàn kết, cùng nhiều phương tiện lao động, sản xuất, học tập trị giá trên 341,8 tỷ đồng... MTTQ Thành phố cũng luôn kịp thời tham mưu cho Thường trực Thành ủy hỗ trợ các tỉnh thành bạn xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo và thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ người dân khi không may gặp hoạn nạn, thiên tai, bão lũ với tổng kinh phí trên 166 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cũng cho biết thêm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã phối hợp triển khai hỗ trợ 724 nhà ở cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở xuống cấp trên địa bàn với tổng số tiền 61,96 tỷ đồng. Những kết quả đạt được đã góp phần tạo thêm nguồn lực cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Thành phố từ 0,42% cuối năm 2019 giảm xuống còn 0,03% cuối năm 2023.

Từ thực tế quá trình triển khai vận động các nguồn lực đảm bảo cho công tác an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn Thủ đô, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, Đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền vận động ủng hộ, làm cầu nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để tập trung vận động các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ các Quỹ an sinh xã hội, bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tại, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn Thành phố và các địa phương của cả nước.

Thứ ba, Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể bám sát hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội; đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của Thành phố trong việc thực hiện các chương trình phối hợp hành động để có lộ trình thực hiện; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ với nhiều giải pháp khả thi... lựa chọn cách làm mới, đột phá; khắc phục khó khăn, tồn tại để đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ tư, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thực hiện công tác an sinh xã hội; đảm bảo công tác quản lý và sử dụng các loại Quỹ an sinh xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố triển khai đạt hiệu quả, kịp thời, công tác chi hỗ trợ đảm bảo minh bạch, đúng nội dung, mục đích, đối tượng theo Quy chế, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cũng xác định để việc vận động các Quỹ an sinh xã hội ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được các nguồn lực xã hội quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

Một là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn hưởng ứng Phong trào thi đua "Vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau", Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", quán triệt, tuyên truyền, thực hiện Chương trình số 08/CTr-TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025" nhằm thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động và các hoạt động an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận và vào cuộc của cả xã hội.

Hai là, Tập trung rà soát, phân loại nắm chắc số lượng và tình hình nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể cho các đối tượng. Động viên, khích lệ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo và chăm lo an sinh xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thiết chế văn hóa cơ sở ở địa bàn khó khăn; tiếp tục duy trì thực hiện tốt tháng cao điểm vì người nghèo hàng năm. Phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo.

Ba là, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương thức vận động, cơ chế ủng hộ; quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ "Vì người nghèo" và các Quỹ an sinh xã hội. Hỗ trợ xây dựng nhà ở, sinh kế giúp hộ nghèo cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững. MTTQ các cấp chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác vận động, xây dựng, quản lý quỹ vì người nghèo, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, tạo niềm tin của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đối với Quỹ.

Bốn là, kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân tích cực trong công tác an sinh xã hội; biểu dương các hộ gia đình có nhiều cố gắng thoát nghèo để khích lệ thoát nghèo bền vững trên địa bàn Thành phố.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm