Nhiều chương trình cho trẻ nhỏ chỉ chờ dịch bệnh qua đi sẽ ngay lập tức "sáng đèn"

Quân Minh
09/06/2021 - 06:15
Nhiều chương trình cho trẻ nhỏ chỉ chờ dịch bệnh qua đi sẽ ngay lập tức "sáng đèn"

Cảnh trong vở “Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi trẻ

Hàng năm, mùa hè là mùa nhộn nhịp của sân khấu thiếu nhi. Nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, buộc lòng các chương trình phải lỡ hẹn với khán giả nhỏ tuổi.
Hàng loạt chương trình "xếp kho"

Để chuẩn bị cho dịp hè và Trung thu năm nay, ngay từ đầu năm, các đơn vị nghệ thuật đã lên kế hoạch dàn dựng nhiều chương trình dành cho thiếu nhi. Cụ thể, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã dựng lại vở "Chiếc rìu vàng", một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nhà hát từ năm 1986. Vở diễn được xây dựng với sự kết hợp mới mẻ giữa hai loại hình múa rối nước và múa rối cạn, mang nhiều yếu tố đương đại và thay đổi ngôn ngữ, tình tiết cho phù hợp với khán giả hiện nay.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã dàn dựng 2 chương trình khá công phu gồm "Biệt đội anh hùng" và một chương trình đặc biệt về xiếc thú. Trong đó, để xây dựng được chương trình xiếc thú, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mất thời gian dài thuần phục các vật nuôi như lợn, trâu, mèo, ngựa, dê... Nhằm tăng tính đa dạng cho vở diễn cũng như thực hiện khuyến cáo hạn chế sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu, các nghệ sĩ cũng đã "hóa thân" vào các con thú trong chương trình.

Theo kế hoạch, dịp hè năm nay Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn chính thức 2 vở dành cho thiếu nhi là "Bầy chim thiên nga" và "Cuộc chiến Virus". Đây là hai vở diễn được đánh giá có sự cải tiến, nâng cao về mặt thị giác, âm thanh, ánh sáng, lời thoại... Điều thú vị hơn, các vở diễn còn tạo ra tính tương tác với các khán giả nhí. Khi xem vở diễn, các em nhỏ có thể tự đặt ra các câu hỏi và có thể đặt mình vào tình huống xảy ra để giải quyết, điều này giúp cho các em rèn luyện tư duy và khả năng độc lập. NSƯT Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, bày tỏ: "Với kinh nghiệm làm các chương trình cho thiếu nhi, chúng tôi đã có những thay đổi để không đi theo lối mòn. 

Nhiều người nghĩ sân khấu thiếu nhi khai thác theo lối mòn các nhân vật trong truyện cổ tích hay văn học thiếu nhi quen thuộc là hoàn toàn sai lầm. Chúng tôi xây dựng các nhân vật gần gũi trong sở thích của các em để tiếp cận các em nhanh nhất".

Những ngày hè trầm lặng của sân khấu thiếu nhi - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi trẻ

Có thể nói, cách làm sân khấu thiếu nhi của các nhà hát thời gian gần đây đã những thay đổi mang tính đột phá. Ở đó, không còn là những vở diễn với những bài học đạo đức "khô cứng" mà đang theo xu hướng khán giả muốn gì và cần gì. Mặt khác, sự phân chia đối tượng rõ ràng ngay trong "địa hạt" thiếu nhi cũng khiến sân khấu trở nên phù hợp, hấp dẫn hơn với trẻ nhỏ. "Chương trình nghệ thuật thiếu nhi của các nhà hát hiện nay đều có sự phân biệt từng lứa tuổi như dành cho trẻ độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 6 tuổi, học sinh tiểu học, lứa tuổi teen...", NSƯT Sỹ Tiến cho biết.

Mặc dù các chương trình đã có sự chuẩn bị công phu và hoàn tất các khâu cuối cùng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đành phải lỗi hẹn với khán giả và tạo nên một khoảng lặng của những người nghệ sĩ.

Nỗi lo "cơm áo gạo tiền"

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, cho biết: Đóng cửa sân khấu đồng nghĩa với việc nghệ sĩ đang thấy khó khăn chồng chất. Dù xác định rõ tư tưởng chống dịch còn lâu dài nhưng ông không khỏi lo lắng cho sự phát triển của sân khấu múa rối. "Nỗi lo lớn nhất là diễn viên bỏ nghề. Năm ngoái đã có người bỏ nghề rồi. Lẽ ra năm nay các bạn ấy đã đủ tiêu chuẩn để Nhà hát lập hồ sơ đề nghị phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú nhưng họ vẫn bỏ. Có người năm nay đủ điều kiện để xét vào biên chế nhưng cũng ra đi. Lực lượng nghệ sĩ biểu diễn rất mỏng. 

Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các bạn phải mưu sinh nên không thể trụ lại với nghề. Bởi với nghệ sĩ trẻ, mới là nhân viên hợp đồng, lương không được chi từ ngân sách, nếu không biểu diễn thì không có thu nhập", NSND Nguyễn Tiến Dũng ngậm ngùi. Vị giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết thêm: "Các nghệ sĩ vẫn tập luyện để có những tác phẩm chất lượng dành cho khán giả nhỏ tuổi. Chúng tôi chờ dịch bệnh qua đi, sân khấu sẽ ngay lập tức có những sản phẩm nghệ thuật hay phục vụ các em. Mong các bậc phụ huynh và các em nhỏ hãy đừng bỏ thói quen tới nhà hát!".

Những ngày hè trầm lặng của sân khấu thiếu nhi - Ảnh 2.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam tăng cường đưa vật nuôi lên sân khấu xiếc thú

Đồng cảnh ngộ, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, bày tỏ: "Khâu tổ chức biểu diễn của chúng tôi đã lên kế hoạch với nhiều suất diễn liên tục trong dịp hè này. Vậy mà giờ đành phải ra thông báo hủy, hoãn và không biết đến bao giờ rạp xiếc mới được sáng đèn. Tuy ngừng biểu diễn nhưng nghệ sĩ xiếc vẫn phải tập luyện hàng ngày. Các con thú vẫn cần được nuôi dạy để chúng thuần thục. Hiện nay, trong điều kiện giãn cách, hàng ngày các nghệ sĩ vẫn miệt mài trên sàn tập nhưng thu nhập lại không có. Đây là nỗi lo lắng vô cùng của Ban giám đốc".

Với tình hình của dịch bệnh đang ảnh hưởng đến toàn xã hội, sân khấu thiếu nhi cũng đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, đặc biệt là vấn đề thu nhập. Hy vọng bằng tình yêu với nghề, các nghệ sĩ sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn, để khi dịch bệnh được đầy lùi, các nhà hát lại "sáng đèn" đón khán giả trở lại với những tác phẩm đặc sắc.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm