Nhiều đại biểu đồng ý với đề xuất kéo dài thí điểm cấp thị thực điện tử

06/11/2018 - 10:34
Sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả, cũng như sự cần thiết và tính đúng đắn của việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, qua gần hai năm thực hiện (từ ngày 1-2-2017) và đồng ý với đề xuất của Chính phủ kéo dài việc thí điểm thêm hai năm, tính từ ngày 1-2-2019.

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 chung quanh việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

0157857dce85fc031b7d1acd3053eeca.jpg
Các đại biểu đồng ý với đề xuất kéo dài thời hạn thí điểm cấp thị thực điện tử tại phiên thảo luận sáng 5-11.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14, ngày 25/1/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng với Nghị quyết 124/NQ-CP, kể từ ngày 1/2/2017, việc thí điểm cấp thị thực điện tử đã được thực hiện với công dân của 46 nước được phép nhập cảnh Việt Nam tại 28 cửa khẩu quốc tế, gồm tám cửa khẩu đường không, 13 cửa khẩu đường bộ và bảy cửa khẩu đường biển.

 

Qua gần hai năm thực hiện, tính đến ngày 15/10/2018, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài, tổng số tiền thu được qua hệ thống thanh toán điện tử là gần 200 tỷ đồng theo đúng quy định, chính xác và minh bạch.

 

Đáng chú ý, số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có xu hướng tăng nhanh, từ tháng hai đến tháng sáu năm nay đã có 115.349 thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài, tăng 273% so với cùng kỳ năm ngoái.

bo-truong-bo-cong-an-to-lam-giai-trinh-mot-so-van-de-dbqh-quan-tam-5.jpg
Bộ trưởng Công an Tô Lâm báo cáo giải trình tại phiên thảo luận sáng 5/11.

 

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, cải cách thủ tục hành chính, đạt dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; phù hợp với chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, chủ yếu trong công tác triển khai thực hiện, như: một số người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh không đúng cửa khẩu đã được duyệt, hoặc không nằm trong danh sách các cửa khẩu được thí điểm; tốc độ truy cập Trang thông tin cấp thị thực có lúc còn hạn chế; số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

 

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử phù hợp và bám sát yêu cầu thực tế. Việc này không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, mà còn xác định cụ thể các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử phù hợp với quy định của Nghị quyết 30, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả.

dinh-cong-sy-son-la.jpg
Đại biểu Đinh Công Sỹ (tỉnh Sơn La) đề xuất mở rộng việc thí điểm cấp thị thực điện tử.

 

Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá việc thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực về đối ngoại, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Đinh Công Sỹ (tỉnh Sơn La) cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân của 46 nước thể hiện rõ chủ trương đúng đắn, thực hiện đổi mới về thủ tục hành chính trong xuất, nhập cảnh của Việt Nam.

 

Đại biểu Đinh Công Sỹ cũng đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách thị thực điện tử của Việt Nam để nhiều người nước ngoài biết hơn, đồng thời mở rộng số các nước được áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử, trên cơ sở mức độ quan hệ ngoại giao với các nước, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

 

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Mậu Quân (tỉnh Hải Dương) khẳng định, việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước, đồng thời cũng chính là việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo cấp độ 4, và hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực. Qua đó, chúng ta đã giảm được nhiều vấn đề về phiền hà, tiêu cực cũng như tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là trong việc thu hút khách du lịch, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

bui-van-xuyen-thai-binh.jpg
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) cho rằng cần có đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế của việc thí điểm.

 

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) cho rằng, điều lo lắng nhất khi các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua nghị quyết thí điểm này là vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, an ninh quốc phòng. Qua hai năm thực hiện thí điểm, thì hoàn toàn không xảy ra vấn đề gì. Điều này làm cho các đại biểu thấy “yên tâm” nhất. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sâu hơn về những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị Quốc hội không ban hành nghị quyết riêng về việc kéo dài thời hạn thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp này.

 

Tại phiên thảo luận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết sẽ cân nhắc xem xét việc mở rộng các nước thí điểm cấp thị thực điện tử, cũng như mở rộng danh sách các cửa khẩu thực hiện thí điểm, trên cơ sở thận trọng, thực hiện từng bước, để vừa đáp ứng yêu cầu đối ngoại, vừa bảo đảm giữ vững an ninh trật tự xã hội.

 

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong thời gian tới, nếu tiếp tục triển khai thực hiện, nguồn kinh phí thu được từ thị thực điện tử chắc chắn sẽ cao hơn. Đồng thời, việc tiếp tục cấp thị thực điện tử sẽ thu hút hơn nữa người nước ngoài đến Việt Nam để du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Cũng tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tóm lược ý kiến các đại biểu Quốc hội, đồng ý với đề xuất của Chính phủ kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm thêm không quá hai năm, bắt đầu từ ngày 1-2-2019. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng yêu cầu Chính phủ sớm tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này.

 

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài thêm hai năm (tính từ ngày 1/2/2019 đến ngày 31/01/2021), trùng với thời điểm sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài vào Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm