Nhiều điều lạ ở ban công huyền thoại nhà nàng Juliet

13/10/2017 - 16:39
Người ta tin rằng, nếu những đôi yêu nhau cùng để lại lời yêu thương trên bức tường ở lối vào nhà nàng Juliet thì họ sẽ được hạnh phúc bền lâu. Còn những ai độc thân chỉ cần chạm tay vào ngực phải bức tượng nàng thì sẽ sớm gặp được người tri kỷ.
Đường đến nhà nàng Juliet

Tôi đến nhà Juliet vào buổi chiều đầu tháng 9. Bầu trời nước Ý xanh biêng biếc và đường phố rực rỡ nắng vàng. Khác với Milan ồn ào và nhộn nhịp, Verona mang nét cổ kính mộc mạc và không khí yên bình của một đô thị nhỏ ven sông.

Du khách trên chiếc ban công nổi tiếng


Từ chỗ đậu xe, tôi đi bộ dọc bờ sông Adige, chiêm ngưỡng những mái nhà cổ kính trước khi qua một cây cầu vào bên trong phố cổ. Đây là nơi có ngôi nhà của dòng họ Dal Cappello trong vở kịch trứ danh “Romeo và Juliet” của William Shakespeare.

Trên những con đường dọc ngang của phố cổ, nơi đâu cũng tràn ngập khách du lịch. Họ phủ kín các đường phố, các nhà hàng, các quán cà phê và khiến các quán Gelato (kem làm theo kiểu truyền thống Ý) gần như quá tải. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một khoảng trống đủ rộng để làm nơi tập trung trước khi du khách được tự do tham quan.

Với rất nhiều di sản kiến trúc và văn hóa được bảo tồn từ thời La Mã, Verona là một thành phố du lịch nổi tiếng thuộc vùng Veneto, phía Bắc nước Ý. Ngay cả con đường đi bộ dẫn vào nhà nàng Juliet cũng được xây trên những di tích thành bang của người La Mã xưa, với những nhà tắm công cộng, những pháo đài, những tòa công sự…

Tượng nàng Juliet

Tôi háo hức khi được viếng thăm nguồn cảm hứng của đại văn hào cùng chiếc ban công huyền thoại nên cứ hòa vào dòng người đông đúc mà thẳng tiến.

Ngôi nhà của nàng Juliet nằm khuất bên trong chiếc cổng lớn hình mái vòm và một khoảng sân rộng. Nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ khó nhận ra điểm khác biệt so với những ngôi nhà khác trong thành phố có hơn 250.000 cư dân đang sinh sống này.

Chứng nhân của tình yêu vĩnh cửu

Nhưng Romeo thì chẳng bao giờ nhầm! Ngay cả trong đêm tối, chàng vẫn có thể tìm đúng nhà Juliet và chiếc ban công dẫn đến phòng nàng. Và rồi, cùng với vầng trăng, chiếc ban công ấy đã trở thành nhân chứng cho lời cầu hôn của chàng, cho tình yêu vĩnh cửu của đôi trẻ mà cả thế giới vẫn ngưỡng mộ và mơ ước.

Bên trong căn nhà

Tôi cũng định tìm đường để leo lên ban công như Romeo ngày xưa nhưng kế hoạch bất khả thi nên đành mua vé với giá 6 Euro để được vào tham quan bên trong nhà. Ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 13 và trùng tu vào thế kỷ XX.

Kiến trúc Gothic đặc trưng cùng những lối sắp đặt nội thất như thời thế kỷ 16, khiến du khách dễ hình dung về bối cảnh của Verona khi vở kịch ra đời. Bên dưới tầng trệt là nơi lưu trữ những bộ trang phục của các diễn viên Metro Goldwyn Meyer trong vở kịch “Romeo và Juliet”, còn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên là một không gian rộng rãi, trưng bày các bức tranh, những món đồ cũ và mở ra chiếc ban công huyền thoại.

Gửi thông điệp yêu thương lên bức tường

Tôi cũng xếp hàng chờ đến lượt được ra ban công và “đóng vai” nàng Juliet. Khi tựa người vào lan can có những họa tiết hình mái vòm và ngắm nhìn mảng tường xanh ngắt, tôi có cảm giác được trở về với tuổi 14 đầy kiêu hãnh. Nhưng bên dưới lại là một “rừng” xa lạ, chẳng có Romeo nào đang ngóng đợi tôi.

Điềm may bên ngực phải
 
Rời ban công, tôi lại tiếp tục xếp hàng để được chạm vào ngực phải của nàng Juliet (bức tượng đồng tạc một cô gái xinh đẹp và dịu dàng đặt trước nhà nàng). Người ta tin rằng, nếu những đôi yêu nhau cùng để lại lời yêu thương trên lối vào nhà nàng Juliet thì họ sẽ được hạnh phúc dài lâu; còn những ai độc thân chỉ cần chạm tay vào ngực phải của nàng thì sẽ sớm gặp được người tri kỷ.

Chưa ai chứng thực được điều này, nhưng tất cả khách du lịch ở mọi lứa tuổi khi đã đến Verona, đều muốn được chạm tay vào nàng. Kết quả là người ta phải thay một bản sao của tượng để thỏa mãn niềm tin của du khách, còn bức tượng gốc đã được lưu trữ trong bảo tàng.

Cặp đôi chụp ảnh cưới ở ban công

Cũng với niềm tin này, cả 2 bức tường dẫn vào nhà nàng Juliet có vô vàn những “tín ước” tình yêu của các cặp đôi đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi không hiểu Juliet có kịp đọc và cầu phúc cho tất cả hay không, khi mà những dòng chữ liên tục được viết đè lên nhau, hết lớp này đến lớp khác. 

Ở một căn phòng bên trong, những “thư ký của Juliet” (các tình nguyện viên trong câu lạc bộ Juliet's Secretary) vẫn miệt mài đọc, dịch và trả lời thư của hàng ngàn người hâm mộ muốn tìm lời khuyên, một sự chia sẻ trong chuyện tình yêu từ nàng Juliet.

Dẫu rằng câu chuyện tình được Shakespeare hư cấu và ngôi nhà chỉ là một điểm dừng chân mà ông từng ghé qua với sự trùng hợp ngẫu nhiên về tên của chủ nhân nhưng người dân thành phố Verona và trên khắp thế giới đều tin rằng, Juliet đã lớn lên ở đó. Tôi biết người ta không nhầm, họ chỉ muốn tin vào một tình yêu vĩnh cửu!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm