'Nhiều giáo viên hụt hẫng và tủi thân vì trường không tổ chức ngày 20/11'

20/11/2018 - 15:16
Trong khi mọi năm, ngày 20/11 là ngày lễ quan trọng được các trường tổ chức trang trọng thì năm nay, nhiều trường không tổ chức kỷ niệm. Theo TS Vũ Thu Hương, việc nhiều trường không tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam là điều vô lý, bởi đây là ngày có thể dạy trẻ lòng biết ơn.

TS Vũ Thu Hương từng là giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nơi đào tạo giáo viên cho cả nước. Chị cho biết, năm nay, một số cô giáo - học sinh cũ của chị - cảm thấy rất hụt hẫng khi trường của họ không tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhiều học sinh miệt mài tập luyện các tiết mục văn nghệ để tặng thầy cô cũng không có cơ hội biểu diễn. Theo TS Vũ Thu Hương, việc nhà trường không tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam là điều vô lý, bởi đây là ngày mà có thể dạy trẻ lòng biết ơn.

tang-co.jpg
Ngày 20/11 là dịp học sinh bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đến các thầy cô giáo của mình. Ảnh minh họa

 

Việc nhiều trường năm nay không tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam, theo TS Vũ Thu Hương, có thể do chỉ đạo từ ngành giáo dục muốn “tránh” tiêu cực trong ngày này. Thế nhưng, TS Vũ Thu Hương nhìn nhận, việc tổ chức ngày 20/11 là hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo, là dịp học sinh gửi lời chúc mừng, tri ân đến thầy cô giáo của mình. Còn việc tiêu cực thường đến từ phụ huynh. “Nếu muốn không xảy ra tiêu cực, có thể cấm phụ huynh tặng quà giáo viên, cấm giáo viên nhận quà của phụ huynh chứ không thể cấm tổ chức ngày 20/11 trong nhà trường”, TS Vũ Thu Hương bức xúc

Việc cần thiết duy trì hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, theo TS Vũ Thu Hương, học sinh sẽ học được lòng biết ơn qua hoạt động ý nghĩa này. “Chính buổi tổ chức chào mừng là lúc trẻ cảm nhận được tấm lòng của thầy cô và có cảm giác mong muốn được tri ân những thầy cô giáo đã tận tâm với học trò. Yêu thương, tôn trọng mà không bày tỏ thì sẽ thế nào, đặc biệt khi không dạy, trẻ sẽ không biết bày tỏ tấm lòng với người đã trợ giúp mình. Chính vì Ngày 20/11 được tổ chức hàng năm từ xưa tới nay mà các thế hệ học trò ai cũng bồi hồi, cảm xúc dâng trào khi nhớ về thầy cô, khi đi qua trường cũ vào ngày này. Đó là những kỷ niệm, những tình cảm đẹp đẽ không thể quên trong tuổi học trò, đi cùng mỗi con người trong suốt cuộc đời. Điều này vô cùng ý nghĩa, có giá trị đạo đức. Bởi, có không ít thầy cô giáo hy sinh cho học trò. Có người bỏ cả việc lập gia đình, dành cả cuộc đời ra cù lao dạy trẻ, đến nay đã hơn 50 tuổi vẫn chỉ sống vì học sinh”.

hoa-tang-co.jpg
Những tình cảm trong sáng của học trò là động lực rất lớn để giáo viên gắn bó và yêu nghề hơn. Ảnh minh họa

 

Để dạy trẻ lòng biết ơn qua ngày này, cần khuyến khích trẻ làm thiệp, vẽ tranh, bó hoa… để tặng thầy cô giáo. “Tình cảm cô trò sẽ càng thêm gắn bó, hiểu nhau hơn qua ngày lễ này. Học sinh được nói lên những tình cảm chan chứa yêu thương, sự biết ơn, lời cảm ơn chân thành đến thầy cô giáo. Giáo viên xúc động với tình cảm học trò và những tình cảm này là động lực rất lớn để họ gắn bó với nghề, yêu nghề hơn”.

TS Vũ Thu Hương cũng cho biết, những năm trước, vào ngày này, học sinh cũ của chị, giờ là giáo viên, thường đến thăm và chúc mừng chị. “Đây là dịp để cô trò gặp nhau ôn lại kỷ niệm, động viên, chia sẻ với nhau trong công việc. Thế nhưng, năm nay, ngày này các trường không tổ chức 20/11, không cho giáo viên nghỉ, vẫn tổ chức hoạt động dạy học như những ngày bình thường khiến cho các giáo viên là học sinh cũ của chị rất buồn, hụt hẫng và tủi thân. Nhiều cô giáo nói, miệt mài dạy học suốt cả năm để 1 ngày được tôn vinh, được nói lời cảm ơn mà giờ cũng không có. Lẽ ra, những điều tốt đẹp thế này phải được khuyến khích, duy trì”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm