Nhiều người lao động chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục nơi làm việc

N.Minh
27/10/2020 - 18:21
Nhiều người lao động chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục nơi làm việc
Dù rất khó chịu với hành vi quấy rối tình dục nơi công sở, nhưng do muốn “bình yên” để làm việc, nhiều người chọn cách im lặng thay vì “lên tiếng”.

Là người có "thâm niên" ít nhất ở cơ quan nên Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) thường được nhiều các đồng nghiệp nam để ý. Ban đầu, họ "bông đùa" bằng những lời khá khiếm nhã: Hôm nay, trông em "ngon" đấy; Nhìn em "nõn nà" thế này, các anh sao tập trung làm việc được. Phương Anh cho biết, thỉnh thoảng cô còn được "bonus" bằng cái nhìn chằm chằm của đồng nghiệp nam khiến cô thấy "nhột nhột". Thế nhưng vẫn chưa hết, không ít lần cô bị 1-2 đồng nghiệp nam đi qua sờ má, sờ vai. Có anh "táo tợn" hơn còn cố tình sờ vào đùi khi cô mặc váy.

Nhiều người lao động chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục nơi làm việc - Ảnh 1.

Những hành vi được gọi là quấy rối tình dục bằng cách hành động thể chất

Phương Anh cho biết, không phải cô là người duy nhất trong cơ quan bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, các chị đồng nghiệp của cô do đã lập gia đình rồi nên vài ba động tác sờ, chạm của các đồng nghiệp nam không ảnh hưởng nhiều đến họ. Nếu khó chịu, những người này sẵn sàng có phản ứng đáp trả. Nhưng họ làm thế còn được, vì họ đã "chắc chân" trong cơ quan.

Phương Anh thì khác, cô là nhân viên mới. Cô không đủ "gan to" để phản ứng lại. Khó khăn lắm cô mới xin được công việc ở đây. Cô không muốn mang tiếng là "người lắm chuyện", "có chuyện bé xé ra to", "làm phức tạp hóa mọi chuyện". Bởi, với nhiều người, chuyện này chẳng có gì đáng nói, chẳng gây ra hậu quả gì. Thế nhưng, với cô gái trẻ như Phương Anh, những hành vi quấy rối này khiến cô rất không thoải mái. Mỗi ngày đến cơ quan, nghĩ đến những đồng nghiệp nam thích "thả dê" với mình, cô lại sợ hãi, chán nản.

Không chỉ có lao động nữ mới là nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công sở, mà nhiều lao động nam cũng vô cùng khó chịu khi bị quấy rối. Là nhân viên nam làm việc tại một nhà máy may – môi trường chủ yếu là phụ nữ, anh T.L.N. nhân viên nhà máy Jassan (Hải Phòng) cho biết, không ít lần, anh bị các bà, các chị quấy rối tình dục. "Trong một xưởng một mình với 60 người phụ nữ thì làm sao mà không bị quấy rối, nguy hiểm lắm. Như khi tôi đang sửa máy, quần ngoài bị tụt xuống một tý, các bà ý bảo "anh ơi, quần lót của anh kìa'", anh T.L.N chia sẻ.

Nhiều người lao động chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục nơi làm việc - Ảnh 2.

Theo ông Phạm Hải Bình, nhiều người lao động còn chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục nơi làm việc. Ảnh: Thu Hương

Tại Hội thảo "Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc" do Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển Quận Bình Tân, TP.HCM tổ chức mới đây, ông Phạm Hải Bình, chuyên gia phát triển cộng đồng thông tin, khảo sát của dự án do ActionAid Việt Nam và Học viện phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2018 tại 4 nhà máy trong ngành may mặc ở TPHCM và Hải Phòng chỉ ra: Hơn 53% nữ công nhân được hỏi  xác nhận họ đã bị quấy rối tình dục (QRTD) hoặc chứng kiến hành vi QRTD; gần 87% cho rằng nạn nhân thường là nữ công nhân, chưa đến 20% cho rằng nạn nhân có thể là nam công nhân. Tuy nhiên, chưa có trường hợp QRTD nào được xử lý trong các nhà máy được khảo sát.

Khảo sát cũng chỉ ra, không ai sẵn sàng báo cáo lãnh đạo công ty. Nữ công nhân khi bị quấy rối tình dục thường chọn cách im lặng, không muốn chia sẻ vì mặc cảm, xấu hổ. Họ không dám kể lại hành vi mình bị quấy rối để làm bằng chứng, sợ mất danh dự cá nhân, sợ bị trả thù, mất việc làm và không tin sẽ được bảo vệ nếu lên tiếng. 

Ông Phạm Hải Bình cho biết, nhiều người chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục. Họ quan niệm quấy rối tình dục được xem là những hình thức tấn công tình dục, cưỡng bức, hãm hiếp. Còn những hành vi động chạm cơ thể như vỗ mông, sờ má… là bình thường.

Nhiều người lao động chưa hiểu đúng về quấy rối tình dục nơi làm việc - Ảnh 3.

Những lý do nạn nhân QRTD im lặng. (Nguồn: ActionAid Việt Nam)

Tuy nhiên, theo hướng định nghĩa của ActionAid, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là bất cứ hành vi nào mang tính chất tình dục không được mong muốn bằng thể chất, lời nói hoặc phi lời nói. Nó bao gồm nhận xét khiếm nhã về ngoại hình, đặc điểm, các câu hỏi về đời sống tình dục của cá nhân, yêu cầu tình dục bởi các thành viên cùng giới hoặc khác giới, trừng phạt nếu từ chối những lời đề nghị đó, sử dụng từ ngữ mang tính chất tính dục, chia sẻ các câu chuyện cười với gợi ý tình dục, các đụng chạm thể chất không mong muốn và thực hiện các hành vi mang tính chất tính dục khác mà tạo ra một môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Theo ông Bình, khi bị quấy rối tình dục nơi làm việc, người lao động cảm thấy rất khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Nếu bị quấy rối tình dục kéo dài sẽ gây ra ám ảnh trong cuộc sống của người đó. Thế nhưng, tâm lý e ngại cộng với việc nhận thức không đầy đủ về hành vi quấy rối tình dục, khiến cho nhiều người bị tấn công mà không biết tự bảo vệ chính mình hay lên án các hành vi quấy rối tình dục. Cho nên cách giải quyết tốt nhất là người lao động nên có hiểu biết nhất định về các hành vi quấy rối, cần thẳng thắn lên tiếng để chấm dứt các hành động này của đối phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm