Việt Nam cần “nói là làm” về quấy rối tình dục!

PV
21/07/2020 - 09:29
Việt Nam cần “nói là làm” về quấy rối tình dục!
Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi của Việt Nam đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong pháp luật về lao động Việt Nam. Đây rõ ràng là một bước tiến quan trọng. Báo PNVN xin giới thiệu bài viết của ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà María Jesús Figa López-Palop - Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam với các khuyến nghị cho Nghị định hướng dẫn của BLLĐ về quấy rối tình dục nơi làm việc.

Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi của Việt Nam bao gồm một số điều khoản tích cực và quan trọng, gồm định nghĩa về quấy rối tình dục. Những thay đổi này đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019. 

BLLĐ mới lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong pháp luật về lao động Việt Nam. Đây rõ ràng là một bước tiến quan trọng. BLLĐ cũng chứa đựng những thay đổi tiến bộ khác nhằm trao quyền cho phụ nữ trong thế giới công việc, cho phép họ tiếp cận bất kỳ hình thức công việc nào thông qua việc xóa bỏ danh mục những công việc mà trước đây loại trừ phụ nữ. Các điều khoản khác sẽ giúp đảm bảo rằng có gia đình không có nghĩa là mất đi quyền tiếp cận việc làm vì BLLĐ mới quy định rõ ràng về việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo và phòng vắt, trữ sữa mẹ.

Việt Nam cần “nói là làm” về quấy rối tình dục! - Ảnh 1.

Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm không chính thức các đại sứ và trưởng các cơ quan về điều phối chính sách về bình đẳng giới

Nhóm không chính thức các đại sứ và trưởng các cơ quan về điều phối chính sách về bình đẳng giới đã ủng hộ định nghĩa về quấy rối tình dục trong BLLĐ. Hiện Nhóm đang theo sát công tác xây dựng nghị định, quy định về chính sách đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới. Dự thảo nghị định đó đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) công bố trong tháng này. Tuy nhiên, để Nghị định có hiệu lực, cần phải đề cập tới năm lĩnh vực quan tâm dưới đây trước khi dự thảo Nghị định cuối cùng được đệ trình lên Bộ Tư pháp.

Thứ nhất, hai cuộc khảo sát tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Nguyên và Đồng Nai cũng như các hội thảo tham vấn đã được tổ chức với sự hỗ trợ của UN Women, tổ chức CARE International, GiZ, và Mạng lưới các tổ chức xã hội vì dinh dưỡng Việt Nam (SUN CSA) cho thấy, một danh mục mang tính minh họa và không quá dài về các hành vi cấu thành hành vi quấy rối tình dục nên được đưa vào Nghị định để đảm bảo tính rõ ràng cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy ít nhất nên làm rõ rằng, quấy rối tình dục có thể được thể hiện qua ba hình thức khác nhau: thể chất, lời nói và phi lời nói. 

Cách tiếp cận này cũng tương đồng với quy định nêu ra trong Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Bộ LĐ, TB&XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xây dựng năm 2015.

Việt Nam cần “nói là làm” về quấy rối tình dục! - Ảnh 2.

Bà María Jesús Figa López-Palop - Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam

Thứ hai, cách tiếp cận đối với quấy rối tình dục ở nơi làm việc phải lấy nạn nhân làm trung tâm. 

Đây là điểm căn bản và phải là nguyên lý chính của cả Nghị định thi hành lẫn công tác thực thi và triển khai trên thực tế. Một sự bào chữa phổ biến mà kẻ quấy rối/thủ phạm bị cáo buộc thường đưa ra là người đó chỉ cố tỏ ra vui vẻ hoặc thân thiện. Điều này là không chấp nhận được. 

Việc chấp nhận lời bào chữa này có nghĩa là không thể biện hộ được. Nguy cơ này có thể được giảm thiểu đáng kể bằng cách chèn thêm cụm từ "bất kể ý định của thủ phạm bị cáo buộc là gì" hoặc bằng cách thêm vào một cụm từ tương tự cho thấy rõ rằng, trải nghiệm của nạn nhân bị cáo buộc phải là trung tâm chứ không phải là ý định của thủ phạm bị cáo buộc.

Một cái cớ phổ biến khác được sử dụng để biện hộ cho hành vi không phù hợp là hành vi nhất định nào đó là một phần trong văn hóa xã hội và/hoặc nơi làm việc ở một quốc gia hoặc doanh nghiệp cụ thể. Những cái cớ mang tính tương đối như vậy là không thể chấp nhận được và khiến nạn nhân rơi vào tình trạng bất lực. 

Đối với cả hai lý do trên và các lý do khác, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi cho phép người sử dụng lao động thiết lập một bộ quy tắc ứng xử mà họ cho là phù hợp, để họ tự quyết định nội dung và được xây dựng theo tính chất hoặc đặc điểm doanh nghiệp của họ. Cho dù một người làm việc trong một nhà máy dệt, tòa nhà văn phòng hay quán bar thì các hành vi quấy rối tình dục cần được xác định rõ, có các biện pháp thực thi quy định đó một cách nhất quán và hành vi quấy rối tình dục phải luôn bị nghiêm cấm.

Thứ ba, mặc dù việc đưa ra định nghĩa về "nơi làm việc" nêu lên trong dự thảo Nghị định hiện nay đã bao gồm không gian số và trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện tại và thế giới tương lai sau COVID. 

Tuy nhiên, cũng cần bao gồm cả việc đi lại hàng ngày, đặc biệt là phương tiện đi lại do người sử dụng lao động cung cấp. Tiêu chuẩn quốc tế này đã được thiết lập trong Công ước ILO số 190 sẽ có hiệu lực vào ngày 25/6/2021 và Việt Nam nên tự hào vì đã đi trước một bước trong lĩnh vực này, khi có công cụ là Nghị định hướng dẫn thực thi có hiệu lực vào tháng 1/2021.

Việt Nam cần “nói là làm” về quấy rối tình dục! - Ảnh 3.

Cần ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Mối quan tâm lớn thứ tư với dự thảo Nghị định là người sử dụng lao động cần sự rõ ràng và cụ thể để xây dựng các quy tắc ứng xử hiệu quả tại nơi làm việc của họ, đặc biệt liên quan đến các cơ chế ứng phó và phòng ngừa. Trong khi vai trò và trách nhiệm được đặt ra theo nghĩa rộng trong dự thảo Nghị định này nhưng các câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời. Không có lý do chính đáng cho việc này. Những câu hỏi này có thể và cần được giải quyết bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong Sổ tay về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc của ILO - UN Women năm 2019 cũng như Bộ quy tắc ứng xử năm 2015 về quấy rối tình dục ở Việt Nam.

Thứ năm, như được vận động về định nghĩa quấy rối tình dục trong BLLĐ, Nghị định này cần bao gồm cả hành vi quấy rối tình dục có đi có lại (có sự trao đổi qua lại) và hành vi quấy rối tình dục tạo ra môi trường làm việc thù địch. Sự khác biệt giữa hai loại hình quấy rối tình dục khác nhau này công nhận rằng hành vi không phù hợp không chỉ liên quan đến việc trao đổi trực tiếp các ân huệ về tình dục để đổi lấy lợi ích trong công việc hoặc nghề nghiệp (quấy rối có đi có lại), mà còn bao gồm những hành vi không mong muốn, những lời bình luận, nhận xét hoặc hành vi phi lời nói có bản chất tình dục dẫn đến một bầu không khí chung tạo nên môi trường làm việc không thoải mái hoặc không an toàn (quấy rối gây nên môi trường làm việc thù địch). Sự phân biệt này đã được công nhận và là một phần thuộc tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều năm. Thật không may nếu Việt Nam bỏ lỡ cơ hội áp dụng các khái niệm và tiêu chuẩn quốc tế được công nhận trên toàn cầu khi mà Việt Nam rõ ràng có cơ hội để áp dụng chúng.

Với tư cách là đồng Chủ tịch của Nhóm không chính thức, các đại sứ và trưởng các cơ quan về điều phối chính sách về bình đẳng giới, chúng tôi, thay mặt Nhóm, tôn trọng và khuyến khích mạnh mẽ Bộ LĐ, TB&XH và Chính phủ Việt Nam đưa các khuyến nghị trên vào Nghị định thực thi. Qua đó sẽ đảm bảo Nghị định sẽ đáp ứng tầm nhìn, khát vọng và mục tiêu của BLLĐ mới về việc đảm bảo quyền tiếp cận nơi làm việc an toàn cho tất cả giới và trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ trong thế giới công việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm