Chủ sử dụng lao động phải bồi thường nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý quấy rối tình dục

PVH
06/07/2020 - 09:26
Chủ sử dụng lao động phải bồi thường nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý quấy rối tình dục

Tuyên truyền, phổ biến các chính sách cho lao động nữ. Ảnh minh họa

Theo dự thảo Nghị định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới quy định, chủ sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn và có biện pháp nhằm bảo vệ bí mật, danh dự, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục. Đặc biệt, chủ sử dụng sẽ phải bồi thường cho nạn nhân, nếu như có tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không tiến hành ngăn chặn, xử lý.

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Dự thảo nghị định này có 3 Chương, 17 Điều, quy định chi tiết các nội dung chính về những chính sách riêng dành cho lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới.

Cụ thể như các điều về: Cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ; Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; Tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động; . Giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo…

Đặc biệt, nghị định quy định nội dung quan trọng, được đông đảo lao động nữ quan tâm là về vấn đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tại Điều 12 quy định, Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận, gồm: Hành động, cử chỉ có tính chất tình dục; Ngôn ngữ, tài liệu trực quan đề cập cụ thể, miêu tả hoặc liên quan đến hoạt động tình dục; Đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn công việc, lương, thưởng…

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong đó, Điều 13 quy định, người sử dụng lao động phải quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động. Nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể được quy định thành một văn bản riêng và là phụ lục đính kèm của nội quy lao động.

Chủ sử dụng lao động phải bồi thường nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý quấy rối tình dục - Ảnh 1.

Chủ sử dụng sẽ phải "Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu như có tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không tiến hành ngăn chặn, xử lý". Ảnh minh họa

Tại Điều 6, dự thảo Nghị định nêu rõ: Người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.

Khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, được đào tạo thêm nghề dự phòng, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.

Trong đó, quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với đặc điểm của người sử dụng lao động; Việc bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người tố cáo và người bị tố cáo; Trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm thẩm quyền, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan; Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật.

Bên cạnh đó, tại Điều 14 về "Xây dựng môi trường làm việc không quấy rối tình dục", dự thảo quy định với người sử dụng lao động có nghĩa vụ: Khi xuất hiện việc khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục và có biện pháp nhằm bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người tố cáo và người bị tố cáo.

Đặc biệt, chủ sử dụng sẽ phải "Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu như có tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không tiến hành ngăn chặn, xử lý".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm