Nhiều người mắc bệnh như Vân Hugo mà không biết

25/11/2016 - 11:03
Tình hình sức khỏe của MC Vân Hugo vẫn tiếp tục được người hâm mộ chia sẻ. Theo nhiều chuyên gia y tế, bệnh của Vân Hugo không mới, thậm chí nhiều người mắc mà không hay biết.
Hiện không có con số thống kê chính thức số người mắc bệnh nhược thị tại Việt Nam. Theo một thống kê chưa đầy đủ, nhược thị chiếm khoảng 1-4% dân số toàn cầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhược thị là mắt lác, trong khi tại Việt Nam có 2-4% trẻ bị mắt lác.
mat.jpg
Trẻ em bị nhược thị cần điều trị kịp thời
Tại các BV có chuyên khoa mắt ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc nhược thị đến khám, điều trị ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng, nhất là ở trẻ em. Nhiều gia đình không chú ý hoặc không biết, chỉ đến khi thấy trẻ có những biểu hiện khác thường từ đôi mắt thì mới cho đi khám. Thậm chí, người lớn cũng đang mắc nhược thị nhưng không được chẩn đoán đúng.

ThS.BS Hoàng Cương, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đào tạo, BV Mắt Trung ương, cho biết: Tại phòng phục hồi chức năng (khoa Mắt trẻ em - BV Mắt TƯ) mỗi ngày điều trị cho 70-80 lượt trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 13 tập luyện mắt để nâng cao thị lực. Trẻ em bị lác cơ năng có tỷ lệ nhược thị cao hơn, chiếm đến 60%. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì trẻ rất khó hồi phục thị lực.

Có trường hợp bé hơn 2 tuổi, bố mẹ phát hiện mỗi lần xem tivi con hay có tật nheo mắt. Khi đưa bé đi khám đã không khỏi bất ngờ với kết luận của bác sĩ "con bị nhược thị". Phát hiện ra bệnh đã khó, việc điều trị cho trẻ còn khó hơn bởi biện pháp điều trị như che mắt cho bé nhưng không được sự hợp tác của bé. Với người lớn, có trường hợp chủ quan khi mắt có những biểu hiện bất thường nhưng không được khám, điều trị đúng cách dẫn đến thị lực suy giảm.

Mắt bị nhược thị hay còn gọi là “mắt lười” là hiện tượng sự suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan thị giác, thị lực bị giảm sút mà không thể điều trị bằng cách chỉnh số kính. Những tật khúc xạ (viễn thị, cận thị, loạn thị, lệch khúc xạ) nhưng không được phát hiện sớm, thị lực hai mắt không đều, đeo kính không đúng số cũng là nguy cơ mắc bệnh nhược thị. Trên thực tế, rất nhiều người mắc bệnh nhược thị nhưng không biết hoặc chủ quan không điều trị.

Cũng theo ThS.BS Hoàng Cương, nhược thị được phân ra nhược thị sơ phát và thứ phát. Nhược thị sơ phát như các tật khúc xạ xuất hiện ở trẻ em trong trường hợp bị các tật khúc xạ về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị mà không được can thiệp bằng kính kịp thời, gây suy giảm thị lực. Nhược thị do lác có sự sai lệch về thị giác ở người mắt lác nhưng không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách.

Nhược thị thứ phát do rung, giãn nhãn cầu. Nhược thị do ánh sáng không tới được võng mạc, gây ra bởi một số bệnh từ nhỏ như đục thủy tinh thể, sụp mí…

Kiên trì điều trị mới hy vọng cải thiện bệnh

Về mặt nguyên tắc, điều trị nhược thị đầu tiên cần điều trị nguyên nhân, thời điểm can thiệp càng sớm thì khả năng hồi phục của mắt nhược thị càng nhiều và càng cao.
van-hg.jpg
Bệnh về mắt của MC Vân Hugo nhiều người có thể cũng mắc mà không hay biết
Các trường hợp bị tật khúc xạ hoặc khúc xạ hai mắt không đều nhau cần phải được điều chỉnh phù hợp bằng kính gọng hoặc kính tiếp xúc. Trường hợp nguyên nhân gây che khuất môi trường trong suốt phải được xử lý hiệu quả, thường dựa vào phẫu thuật. Riêng trường hợp do lác thì việc điều trị nhược thị cần được tiến hành trước khi can thiệp phẫu thuật chỉnh lác.

Bước tiếp theo của quá trình điều trị là hạn chế sử dụng mắt lành (mắt không bị nhược thị), kích thích và tạo điều kiện cho mắt nhược thị được sử dụng để có thể phát triển thị giác bình thường.

Để hạn chế sử dụng mắt lành thì phương pháp kinh điển, hiệu quả nhất đặc biệt với trẻ nhỏ là bịt mắt. Có nhiều cách bịt mắt như dán một miếng vải trực tiếp che mắt, dán băng che lên trên mắt kính, sử dụng kính tiếp xúc mờ hoặc đục.

Thời gian bịt mắt có thể bịt hoàn toàn trong ngày (nhược thị nặng) hoặc bịt hoàn toàn từ 1 giờ đến 1 ngày hoặc bịt 1 nửa thời gian trẻ thức đối với trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ ở độ tuổi lớn hơn, bịt 4-6 giờ liên tục trong ngày, nói chung thời gian bịt mắt cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình bịt mắt, cần theo dõi nghiêm ngặt để tránh gây nhược thị ở mắt còn lại.

Ngoài phương pháp bịt mắt, có thể dùng phương pháp làm mờ hình ảnh mắt lành bằng cách dùng thuốc (dung dịch atropin1% tra mắt mỗi ngày 1 giọt) hoặc bằng kính.

Để kích thích sử dung mắt nhược thị, có thể sử dụng các phương pháp như cho trẻ xâu hạt cườm, tập đồ hình, tập trên máy và trên hệ thống máy tính... Các hệ thống tập mắt hiện nay đều có tại các BV chuyên khoa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm