Nhiều người nhầm lẫn hội chứng trào ngược thực quản dạ dày với viêm họng

An Khê
21/04/2021 - 10:15
Nhiều người nhầm lẫn hội chứng trào ngược thực quản dạ dày với viêm họng

Việc trào ngược dịch tiết từ dạ dày vào thực quản có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản, hầu họng và cả phế quản

Trào ngược thực quản dạ dày xảy ra khi dịch vị dạ dày có tính axit trào ngược lên thực quản (ống nối miệng và dạ dày của bạn). Từ đó dẫn tới một số triệu chứng gây khó chịu rất dễ lầm tưởng các bệnh khác như viêm họng, hô hấp, tim mạch.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Hồng Anh, Chuyên gia tiêu hóa tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu và quốc tế - Bệnh viện E, cho biết, nguyên nhân trực tiếp gây trào ngược dạ dày là có sự tổn thương tại chỗ của dạ dày thực quản, làm cho việc đóng mở cơ thắt dưới thực quản không đảm bảo chức năng ngăn thức ăn và dịch dạ dày trào lên thực quản. 

Tại thực quản có các tổn thương như hở tâm vị, thoát vị hoành, viêm loét thực quản hay các u thực quản. Tại dạ dày là các bệnh gia tăng lượng dịch vị chứa axit trong dạ dày quá nhiều như các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, hẹp môn vị, ung thư dạ dày.

Nhiều người nhầm lẫn hội chứng trào ngược thực quản dạ dày với viêm họng - Ảnh 1.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Hồng Anh - Chuyên gia tiêu hóa tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu và quốc tế - Bệnh viện E

Ngoài các tổn thương tại chỗ thì thói quen sinh hoạt cũng là tác nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản như:

Thói quen ăn no, ăn nhiều các thực phẩm khó tiêu như đạm động vật, mỡ động vật, đồ ăn nướng, các thực phẩm chế biến sẵn có chất bảo quản, các loại hạt có chứa nhiều dầu như lạc, dùng các loại đồ uống có cồn, đồ uống chứa chất kích thích như cafe, nước có ga. 

Do tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc như: thuốc kháng sinh nhóm quinolone gây buồn nôn, thuốc huyết áp gây ức chế beta giao cảm, thuốc chống đông máu aspirin, thuốc có chứa corticoid, thuốc chống viêm xương khớp... Các thuốc này có thể tác động tại chỗ vào niêm mạc dạ dày hoặc gây tăng acid dạ dày. 

 Yếu tố tâm lý: Các yếu tố môi trường gia đình và xã hội tác động làm tâm lý con người thay đổi. Đó là cảm giác lo âu, mất ngủ vì mối lo cơm áo gạo tiền, vì bệnh tật của bản thân và những người thân. Những vấn đề bức xúc trong gia đình và xã hội chưa giải quyết được, áp lực công việc, áp lực học hành thi cử của học sinh sinh viên… làm gia tăng tác động vào hệ thần kinh trung ương gây ra hội chứng trào ngược - Tiến sĩ Vũ Hồng Anh khẳng định. Nên đi khám để xác định bạn có tổn thương thực thể đường tiêu hóa hay không. Nếu có thì hãy điều trị các bệnh lý này trước. Tiếp theo hãy thay đổi chế độ ăn uống và nghỉ ngơi.

Tiến sĩ Vũ Hồng Anh tư vấn cách phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả:

- Điều chỉnh lại chế độ ăn uống và nghỉ ngơi sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả tình trạng trào ngược:

- Không nên ăn quá nhiều, nhất là vào buổi tối. Thực hiện chế độ ăn ít đường và tinh bột, làm giảm đáng kể tình trạng ợ nóng và trào ngược. Ngoài ra, bệnh nhân trào ngược dạ dày cũng hãy chú ý hạn chế uống rượu, cafe, các đồ uống có chất kích thích và đồ uống có ga để phòng bệnh.

- Tập luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi thư giãn, đi du lịch để giảm bớt các stress. Điều trị mất ngủ bằng các thuốc nhóm sulpiride.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm