Nhiều nước vướng vào vòng luẩn quẩn không hồi kết của tiền lương và giá cả

Châu Châu (Nguồn: The Wall Street Journal)
22/09/2022 - 11:57
Các ngân hàng trung ương đã tranh luận hàng thập kỷ về việc tăng lương cho nhân viên có khiến giá cả hàng hóa tăng hay không.

Vòng xoáy giá cả - tiền lương

Ngay cả khi xăng dầu hạ giá báo hiệu áp lực lạm phát tạm thời được nới lỏng, Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác vẫn bận tâm đến một yếu tố: giá nhân công. Nhiều quan chức lo ngại mức lương tăng trưởng quá cao có thể thúc đẩy các doanh nghiệp liên tục tăng giá thành sản phẩm để bù đắp chi phí lao động cao hơn, tạo ra một vòng xoáy giá cả - tiền lương.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đã kêu gọi người lao động trong nước ngừng yêu cầu tăng lương nhằm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát đang ở mức 9,9%. Việc này đã nhận về những lời chỉ trích từ các liên đoàn lao động. Mức lương của Vương quốc Anh hiện đang tăng 5,5% một năm, năm 2019 là khoảng 3,5%.

Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng mối quan tâm này đã đặt sai chỗ. Họ lập luận dựa trên bài học của vài thập kỷ qua, giá cả đắt đỏ dẫn đến tiền lương cao hơn, khi đó, sức mua của người lao động cũng sẽ tăng lên. Nếu vậy, việc tăng lương sẽ không cản trở công cuộc kiểm soát lạm phát.

Vòng luẩn quẩn không hồi kết của tiền lương và giá cả: Lạm phát vẫn có thể được kiểm soát ngay cả khi chủ doanh nghiệp tăng chi phí lao động - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey

Stefan Gerlach, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng EFG ở Zurich, cho biết: "Tôi lo ngại một số nhà hoạch định chính sách chưa đánh giá đầy đủ điểm này. Lạm phát và tiền lương có xu hướng song hành, nhưng điều đó có thể phần lớn là do tiền lương phản ứng với mức lạm phát đã có, chứ không phải lạm phát tăng do tiền lương".

Nhân công chiếm phần lớn tổng chi phí của các công ty ở Mỹ và Châu Âu. Điều đó có nghĩa là theo thời gian, lương tăng sẽ dẫn đến giá cả cao hơn, đồng thời hiệu suất làm việc của lao động cũng phải tăng lên. Nếu không, người lao động sẽ chiếm nhiều lợi thế hơn so với số chi phí các chủ doanh nghiệp phải bỏ ra.

Tại Mỹ, lương theo giờ của công nhân khu vực tư nhân trong tháng 8 đã tăng 5,2% so với một năm trước đó, tăng chậm hơn so với 5,6% trong tháng 7, nhưng nhanh hơn nhiều so với khoảng 3% trước đại dịch. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, chi phí nhân công theo giờ đã tăng 4% trong ba tháng tính đến hết tháng Sáu so với một năm trước đó. Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Vòng luẩn quẩn không hồi kết của tiền lương và giá cả: Lạm phát vẫn có thể được kiểm soát ngay cả khi chủ doanh nghiệp tăng chi phí lao động - Ảnh 2.

Tiền lương của người lao động phản ứng với mức lạm phát đã xảy ra trong những thập kỷ gần đây, chứ không phải là nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao trong tương lai.

Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB tuần trước cảnh báo tiền lương tăng trưởng nhanh chóng góp phần đáng kể khiến mức lạm phát cao hơn. Tuy vậy, một loạt các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong vài thập kỷ qua, sự gia tăng chi phí lao động không ảnh hưởng hoàn toàn đến giá cả.

Lương tăng, giá có tăng không?

Trong một bài báo năm 2020, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã phát hiện ra rằng phần lớn các công ty sản xuất của Mỹ đã ngừng tăng giá để đáp ứng với việc tăng lương trong hai thập kỷ qua. Năm 2017, các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy những thay đổi trong chi phí lao động có ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát giá cả những năm gần đây.

Ở châu Âu, tỷ lệ ảnh hưởng của việc tăng lương đến chỉ số lạm phát cơ bản (không bao gồm lương thực và năng lượng) đã giảm khoảng 1/3 so với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo một báo cáo năm 2019 của các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo nghiên cứu, sự thay đổi này có thể phản ánh thương mại quốc tế và sức mạnh thị trường ngày càng tăng lên của các doanh nghiệp kể từ đầu thế kỷ này, cũng như tổng quát mức độ suy giảm của lạm phát.

Tóm lại, khi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài chuyển đến, một số công ty trong nước đóng cửa. Các công ty vẫn tồn tại có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, khiến họ có thể tăng lương cho nhân viên mà không cần chuyển áp lực cho khách hàng và tránh mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Tuy nhiên, điều quan trọng là lạm phát nhìn chung ở mức thấp và ổn định trong giai đoạn tiến hành báo cáo này. Nếu tiền lương và các chi phí khác của các doanh nghiệp hiện nay tăng mạnh và liên tục, họ nhiều khả năng không thể tiếp tục trụ vững. Tại châu Âu, một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy người tiêu dùng và nhà đầu tư dự đoán lạm phát vẫn ở mức cao.

Vòng luẩn quẩn không hồi kết của tiền lương và giá cả: Lạm phát vẫn có thể được kiểm soát ngay cả khi chủ doanh nghiệp tăng chi phí lao động - Ảnh 3.

Nghiên cứu do Fed New York công bố vào tháng trước cho thấy trước đại dịch Covid-19, đối với hàng hóa và dịch vụ được giao dịch quốc tế, việc tăng lương hoàn toàn không ảnh hưởng đến giá cả. Điều này đã thay đổi vào năm 2021, khi mức lương tăng 10% kéo theo giá sản xuất tăng 1,4%.

Một số công ty tuyên bố tăng giá do chi phí lao động cao hơn. Vào tháng 2, Giám đốc tài chính Brian Olsavsky của Amazon cho biết tăng lương cho nhân viên là lý do đằng sau việc tăng giá tài khoản khách hàng thân thiết ở Mỹ lên 14,99 USD, trước đó là 12,99 USD một tháng. Đây là lần đầu tiên Amazon tăng giá kể từ năm 2018. Nếu mức tăng lương tác động mạnh đến giá cả, thì tiền lương và lạm phát sẽ tăng lên cùng nhau. Các ngân hàng trung ương phải có những động thái để phá vỡ chu kỳ này.

Thị trường lao động thắt chặt tạo cơ hội cho người lao động tăng thu nhập, sau nhiều thập kỷ các chủ doanh nghiệp thu lợi nhờ toàn cầu hóa và các liên đoàn lao động suy yếu. Nếu người lao động thành công, tiền lương có thể tăng mạnh ngay cả khi lạm phát chậm lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm