Nhiều siêu thị không mua heo từ nông dân

06/05/2017 - 11:04
Nhiều siêu thị lớn ở TPHCM vẫn bán thịt heo với giá khá cao, chênh lệch đáng kể với giá heo hơi trên thị trường. Một trong những lý do là các siêu thị này lấy nguồn thịt từ các nhà cung cấp lớn chứ không mua từ người dân.

Ngày 6/5, hệ thống Co.opFood (thuộc Sài Gòn Co.op) vẫn bán thịt heo với giá khá cao, như ba chỉ có giá khoảng 100.000 đồng/kg, sườn non 152.000 đồng/kg… Một số hệ thống siêu thị khác cũng có giá thịt heo cao hơn đáng kể so với giá bán phổ biến ở các chợ truyền thống, so với mặt bằng giá heo hơi thì mức độ chênh lệch càng lớn hơn.

1.jpg
Giá thịt heo trong nhiều siêu thị đang cao hơn giá chợ

Theo giải thích của một nhân viên quầy thịt tại Co.opFood An Phú (phường An Phú, quận 2), sở dĩ giá thịt heo bán tại đây đắt hơn ngoài chợ và cũng chỉ giảm không đáng kể so với thời điểm chưa bùng nổ cuộc “khủng hoảng thịt heo”, là do nguồn thịt được lấy từ các nhà cung cấp lớn chứ không mua từ nguồn thịt của nông dân.

Điều này cũng được ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam nhìn nhận khi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương trong chuyến làm việc với một số siêu thị ở TPHCM về tình hình tiêu thụ thịt heo, do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu: Siêu thị đang mua heo của Công ty C.P và các hộ nuôi đạt chứng nhận VietGAP nên heo hơi bên ngoài dù giá rẻ vẫn không thể mua được. Và do đó mà giá thịt heo trong siêu thị không thể thấp như giá chợ do chất lượng tốt hơn.

2.jpg
Cuộc "khủng hoảng thịt heo" gây ra không ít hệ lụy

Với kinh nghiệm nhiều năm làm kinh doanh, ông Hong Won Sik chia sẻ: Hàn Quốc cũng từng rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” thịt heo như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã giải quyết khá đơn giản bằng cách cấp đông lượng thịt dư thừa, đợi giá lên bán ra. Trong khi đó, phần lớn người Việt Nam lại gần như chỉ ăn thịt tươi, không có thói quen dùng thịt đông lạnh.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị siêu thị phối hợp với nhà cung cấp mở rộng kênh tiêu thụ như đưa hàng vào bếp ăn tập thể, tổ chức cấp đông và truyền thông để người tiêu dùng quen với thịt đông lạnh. Bà kêu gọi siêu thị và nhà cung cấp chia sẻ khó khăn với nông dân, có thể chấp nhận kinh doanh hòa vốn vì sau khủng hoảng thừa có thể sẽ thiếu hàng.

Một hệ lụy khác mà cuộc “khủng hoảng thịt heo” đã gây ra, đó là khiến đề án triển khai truy xuất nguồn gốc thịt heo gặp khó khăn. Nhiều thương nhân kinh doanh thịt heo không chịu đeo vòng nhận diện, khiến việc triển khai đeo vòng nhận diện tại một số chợ đầu mối từ tỉ lệ 100% ngày đầu (1/3) đã giảm xuống còn 49%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm