Nhiều thai phụ không biết mắc sởi sẽ nguy hiểm đến thai nhi

16/01/2019 - 22:17
"Hiện nhận thức của nhiều thai phụ còn hạn chế, họ không biết được rằng việc mắc sởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi", BSCKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết.
BSCKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, cho biết, khi có dấu hiệu của bệnh sởi thì thai phụ cần đi thăm khám và nên được theo dõi tại cơ sở y tế. Đặc biệt là đối với những thai phụ miễn dịch kém, có bệnh nền như tim mạch, dễ gây biến chứng.
 
Khi mắc sởi, bệnh nhân có các dấu hiệu sốt. Sau đó có triệu chứng viêm long điển hình như ho khan, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc… Trong họng sẽ có những chấm trắng nhỏ; sau vài ngày ban sởi sẽ mọc từ đầu, mặt, cổ rồi xuống lưng, cánh tay và chân.
 
Theo bác sĩ Hoa, thai phụ mắc sởi sẽ được điều trị bệnh như những bệnh nhân bình thường khác. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ theo dõi sát các dấu hiệu biến chứng đối với thai nhi như dọa sảy thai, động thai, thai lưu với các dấu hiệu như đau bụng, ra dịch âm đạo, chảy máu âm đạo… 
 
“Bệnh nhân mắc sởi sẽ được điều trị hỗ trợ, không có thuốc đặc trị sởi. Đối với thai phụ mắc sởi, thời gian điều trị thường kéo dài hơn các ca bệnh là người lớn khác bởi khả năng phục hồi của thai phụ thường kém hơn. Thông thường thời gian điều trị cho thai phụ mắc sởi không biến chứng là khoảng 5 ngày”, bác sĩ Hoa cho hay.
 
 
img_4428.JPG
Thai phụ mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

 

Trưởng khoa Nội A - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng lưu ý các thai phụ bị mắc sởi cần chú ý đến các dấu hiệu có thể khiến cho thai nhi gặp nguy hiểm để có thông báo kịp thời cho bác sĩ. Đồng thời, chú ý việc cách ly, tiếp xúc với thân nhân.
 
Ngày 16/1, tại Khoa Nội A đang điều trị nội trú cho 37 ca sởi, trong đó có 4 ca là thai phụ ở TP.HCM, Đồng Nai và Long An. Số ca bệnh điều trị nội trú đã giảm so với đầu tuần, với khoảng 65 ca. Khoa Nội A đã kịp thời có biện pháp điều trị và cách ly hiệu quả theo chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện, hơn 30 bệnh nhân đã được được điều trị khỏi bệnh và xuất viện an toàn trong 2 ngày qua. Hiện khoa không còn tình trạng quá tải như tuần qua.
 
Chị V.T.T (31 tuổi, ngụ Long An) cho biết, chị đã nhập viện điều trị sởi được 3 ngày. Hiện chị vẫn thấy rất mệt, có lúc sốt lúc cao, ăn ít, ho nhiều nên không ngủ được. “Tôi bị sốt cao, nổi ban nên nhập viện và được bác sĩ nói bị sởi. Tôi rất lo lắng vì đang mang thai 12 tuần. Chỉ mong cho sức khỏe nhanh hồi phục”, chị T. nói.
 
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa cho biết, hiện nhận thức của nhiều thai phụ còn hạn chế, họ không biết được rằng việc mắc sởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Tất cả các thai phụ mắc sởi tại bệnh viện đợt này chưa chích ngừa vaccine phòng bệnh sởi.
 
Bác sĩ Hoa khuyến cáo, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, từ 18 tuổi trở lên nên chích ngừa vaccine sởi. Khi có thai thì tuyệt đối không được chích ngừa sởi. Phụ nữ mang thai cần hạn chế tới những nơi đông người, những vùng có dịch sởi. Trong gia đình nếu có người mắc sởi thì mọi người cần phải vệ sinh sạch sẽ, mang khẩu trang y tế phòng bị lây nhiễm từ người bệnh.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm