Nhiều trẻ béo phì vì mẹ thích bụ bẫm nên nhồi con ăn

18/10/2017 - 15:36
Có em bé thừa 2-3 kg theo tiêu chuẩn nhưng cha mẹ vẫn nói con hơi gầy và muốn bụ bẫm hơn chút nữa. Vì thế, phụ huynh tiếp tục nhồi nhét cho con ăn, lâu dần, trẻ sẽ bị béo phì.
Đó là chia sẻ của TS Lê Thị Nhung, khoa Dinh dưỡng học đường (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) tại Hội thảo Phòng chống béo phì, thừa cân ở Việt Nam và cảnh báo của chuyên gia, được tổ chức sáng 18/10, tại Hà Nội.

Theo TS Nhung, nếu như trước đây không có trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì thì nay ở một số thành phố đã xuất hiện tình trạng này. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì dưới 5 tuổi là trên 5%. Những trẻ này dễ tiếp tục béo phì về sau. Trẻ bị béo phì, dễ tác động xấu đến sức khỏe.

“Xét nghiệm máu của 500 trẻ béo phì, các chuyên gia đã phát hiện, trên 35% trẻ trong số này bi rối loạn mỡ máu”, TS Nhung cho biết.
anh-beo-phi.jpg
Trẻ cần vận động và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tránh nguy cơ béo phì. Ảnh chỉ mang tính minh họa

 

Còn TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, béo phì gây ra nhiều hậu quả như: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu giả u não cơ học, chứng ngưng thở khi ngủ…

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thừa cân, béo phì, trong đó chủ yếu do chế độ ăn có nhiều chất béo và đường; thiếu đạm, rau xanh và ít vận động. Ngoài ra, còn do không ít bậc cha mẹ, ông bà thích trẻ bụ bẫm nên dù trẻ thừa cân theo tiêu chuẩn, cha mẹ vẫn nhồi nhét con ăn, lâu dần, trẻ sẽ bị béo phì.

Khi trẻ có cân nặng cơ thể cao hơn số cân trung bình so với chiều cao và tuổi từ 20% trở lên, có những lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, trên vú và ở cằm thì dễ bị béo phì ở trẻ. Có hai cách để  xác định trẻ thừa cân hay béo phì: Quan sát trẻ thấy thân hình to béo một cách không bình thường so với lứa tuổi (đi lại nặng nề khó coi…) và dùng cân đo để xác định trẻ thừa cân hay béo phì.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi như: Tăng hoạt động thể lực, thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm