Nhiều trường dự đoán điểm chuẩn đại học 2018-2019 sẽ giảm

04/07/2018 - 15:30
Với nhận định về độ phân hóa sâu, độ khó tăng của đề thi THPT Quốc gia năm nay, đại diện nhiều trường đại học cho rằng, nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ giảm “nhiệt” hơn năm ngoái do mặt bằng điểm khó đạt cao.

Chia sẻ về điều này, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết, năm nay nhiều chuyên gia, giáo viên nhận định đề thi THPT Quốc gia chuyên sâu về phân hóa, nghĩa là phần câu hỏi phân hóa được đánh giá là khó “nhằn” hơn năm ngoái. Điều này ảnh hưởng nhất định đến phổ điểm.

Theo đó, phổ điểm thi năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm trước. Nếu phổ điểm ở mức trung bình từ 5 đến 7 điểm thì là một phổ điểm “đẹp”, phù hợp, đi đúng vào quỹ đạo tuyển sinh, cao vừa phải chứ không quá cao như năm 2017. Việc xét tuyển đại học vì thế sẽ thuận lợi hơn cho các trường. 

Về mức điểm chuẩn dự kiến, ông Bùi Đức Triệu cho biết, mức điểm này chỉ có thể tính toán và đưa ra sau khi có phổ điểm thi chính thức. “Tuy nhiên, với đề thi khó như vậy thì dự kiến điểm chuẩn vào trường sẽ có dao động. Khoảng cách điểm chuẩn giữa các ngành sẽ bị thu hẹp lại, giảm nhiều, không cao như năm trước” - ông Triệu nhận định.

thi.jpg
Điểm chuẩn năm nay dự kiến hạ "nhiệt" do đề thi phân hóa cao. Ảnh minh họa

 

Ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường năm 2017 là 18 điểm. Trường xét tuyển theo ngành và không có sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Năm 2017, nếu có nhiều thí sinh bằng điểm nhau trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ xét thêm điều kiện phụ là môn Toán hoặc Tiếng Anh. Tuy nhiên, năm 2018 trường không đặt thêm điều kiện phụ, các thí sinh đặt điểm trên ngưỡng điểm chuẩn sẽ trúng tuyển

Năm 2018, ĐH Kinh tế quốc dân tăng chỉ tiêu từ 4.800 lên 5.500. Trường cũng mở thêm những ngành đào tạo mới hoàn toàn như: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý dự án, Thương mại điện tử, Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh (B-BAE) học bằng tiếng Anh, Định phí bảo hiểm và Quản trị rủi ro học bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, nhiều ngành mới được phát triển lên từ các chuyên ngành trước đây như: Kinh tế phát triển, Khoa học quản lý, Quản lý công, Quản lý tài nguyên và môi trường (được tách ra từ ngành Kinh tế); Luật kinh tế (tách từ ngành Luật); Quản lý Đất đai (tách từ ngành Bất động sản); Công nghệ thông tin (tách từ ngành Khoa học máy tính).

Còn với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đại diện của trường cho cho biết, đề thi năm nay có nhiều câu khó nên lượng bài thi đạt điểm cao sẽ không nhiều như năm ngoái. Trong trường hợp phổ điểm giảm, có thể kéo theo điểm chuẩn vào các trường sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, giảm đến mức nào thì hiện tại chưa thể dự đoán.

“Phổ điểm phổ biến năm nay sẽ từ khoảng 6-7 điểm, nhưng tới thời điểm này, chưa trường nào có thể dự đoán được điểm chuẩn sẽ giảm bao nhiêu. Tuy nhiên, các ngành “hot” của trường nếu có giảm cũng sẽ giảm nhẹ không đáng kể”, TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Một số ngành luôn chiếm đông đảo hồ sơ đăng ký nguyện vọng thuộc hàng “tốp” của trường gồm: Điều khiển tự động hóa, Công nghệ thông tin, Cơ điện, Điện tử viễn thông…

Đại diện của một số trường Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, Học viện Tài chính cũng nhận định về mức phổ điểm năm nay hạ “nhiệt” hơn năm ngoái, kéo theo điểm chuẩn dự kiến giảm. Đặc biệt, với những nhóm ngành xét tuyển có môn Toán, một số trường đánh giá sẽ là điều khiến trường “đau đầu” bởi đề thi được đánh giá khó, kéo theo mức điểm giảm.

Hiện chưa nhiều trường đưa ra được nhận định về điểm chuẩn bởi chưa có thông tin cụ thể về điểm thi, phổ điểm…

Theo Bộ GD&ĐT, chậm nhất ngày 10/7, các Hội đồng thi xuất kết quả chấm thi và hoàn thành việc đối chiếu kết quả thi chậm nhất ngày 11/7.

Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 11/7 và chậm nhất ngày 15/7 phải báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ. Việc công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất là ngày 17/7.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm