pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhìn lại vụ việc ở Đồng Tâm: Nhận diện và nghiêm trị kẻ ác
Nhận diện hành vi phạm tội
Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Khi các cơ quan chức năng vào cổng làng, các đối tượng tấn công ngay, rất manh động, ném 2 quả lựu đạn, bom xăng."
Cơ quan công an nhận định kế hoạch tấn công và hung khí được các đối tượng khai đã chuẩn bị từ trước đó. Quá trình điều tra ban đầu cũng xác định các đối tượng tấn công lực lượng chức năng lần này chính là khoảng 30 đối tượng vẫn thường xuyên gây rối trong hai năm gần đây.
Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành khám nghiệm hiện trường, bước đầu thu giữ 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýt sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa.
Đối tượng Nguyễn Văn Tuyển (xã Đồng Tâm) khi bị bắt đã khai: “Cụ Kình (Lê Đình Kình) chỉ đạo cứ cho 3 thằng chết là phải chạy hết. Anh Công (Lê Đình Công) bảo là: Không phải nói nhiều, cứ vào là chết."
Qua những chứng cứ trên có thể thấy hành vi của các đối tượng là có tổ chức, cố tình sử dụng vũ khí nóng để sát hại và chống lực lượng thi hành công vụ. Đặc biệt, các đối tượng này rất manh động và bạo lực khi chuẩn bị những vũ khí nguy hiểm như lựu đạn, bom xăng, dao phóng để thực hiện kế hoạch gây rối...
Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu các đối tượng này gây rối, biến Đồng Tâm trở thành điểm nóng về an ninh trật tự. Những đối tượng này không phải là đại diện cho người dân Đồng Tâm. Chúng đã chủ mưu và thường xuyên sử dụng các luận điệu như Nhà nước “cướp” đất của dân hay dụ dỗ người dân tham gia gây rối tại địa phương dưới vỏ bọc “đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm." Không những không tham đối thoại mà chúng còn dọa dẫm, ngăn cản người dân có quyền lợi hợp pháp thực hiện các kết luận của cơ quan chức năng...
Thậm chí, trước khi xảy ra vụ việc, nhóm đối tượng này còn ghi hình, quảng bá cho những hành động và lời nói vi phạm pháp luật để phát tán lên mạng xã hội nhằm vu cáo Nhà nước, chính quyền, tạo ra sự đối lập giữa chính quyền và người dân và cũng là để khuếch trương cho cái gọi là “thanh danh” của họ.
Lợi dụng sự việc ở Đồng Tâm, trong những ngày qua, nhiều đối tượng đã cắt ghép, đưa những hình ảnh sai sự thật lên mạng xã hội gây hiểu nhầm trong dư luận, và cũng là để kêu gọi sự ủng hộ và can thiệp từ các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam. Một vài tiếng nói phi nghĩa trong những ngày qua còn gọi những kẻ chủ mưu, thủ ác là “nạn nhân."
Toàn bộ sự thật về vụ việc chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam công bố tại các phiên tòa xét xử những đối tượng vi phạm pháp luật một cách tàn bạo này.
Nghiêm trị các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Theo quy định của pháp luật, những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, giúp sức, xúi giục tấn công người thi hành công vụ sẽ bị xử lý về tội danh này với vai trò đồng phạm. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà các đối tượng này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng.
Luật sư Hà Huy Từ, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm là cần thiết và kịp thời. Hành vi của những người chống đối như dùng bom xăng, vũ khí quân dụng trái phép tấn công lực lượng chức năng chứng tỏ họ đã có sự bàn bạc, chuẩn bị, phân công nhiệm vụ… Và hậu quả mà nhóm chống đối gây ra cho người thi hành công vụ là hết sức nặng nề.
"Không thể chấp nhận được hành vi của một nhóm đối tượng mượn cớ "đòi đất" để gây sức ép với chính quyền, thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là gây trọng tội "giết người." Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm cần bị xử lý nghiêm minh," luật sư Hà Huy Từ đánh giá.
Theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi của các đối tượng tấn công các chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ, gây ra cái chết của 3 chiến sỹ công an ở Đồng Tâm hôm 9/1 sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “giết người." Các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ xem xét vụ án với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: dùng phương thức thủ đoạn có thể làm chết nhiều người, giết từ 2 người trở lên, với người thi hành công vụ, có tính chất côn đồ...
Theo ý kiến của nhiều luật sư, nhà nghiên cứu pháp luật, thời gian qua, chúng ta đã có nhiều bài học đau xót từ sự manh động, liều lĩnh chống người thi hành công vụ… Mặc dù, tất cả những kẻ có hành vi vi phạm đã bị pháp luật trừng trị, xử lý nghiêm, nhưng hiện tượng này vẫn có nguy cơ tái diễn do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch đối với một số người dân.
Điều này không chỉ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân trực tiếp và gây bất ổn cho xã hội, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Do vậy, những kẻ cầm đầu chống đối cần bị trừng trị nghiêm khắc để làm gương cho kẻ khác, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều có những quy định pháp luật về bảo vệ người thi hành công vụ. Các đối tượng chống người thi hành công vụ, hành hung, giết người đang thi hành công vụ đều phải chịu án phạt nặng hơn thông thường. Nguyên do là bởi những người thi hành công vụ được luật pháp bảo vệ để thực hiện trách nhiệm thực thi pháp luật, thiết lập trật tự xã hội, bảo vệ bình yên cho người dân, mà đôi khi họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng cho sự bình yên đó.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, quản lý và điều hành đất nước. Không một cá nhân hay tổ chức nào được cho mình quyền đứng trên pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
(TTXVN/Vietnam+)