Tìm nhóm trẻ tư thục bằng... mùi
Ròng rã 1 năm qua, nhóm nghiên cứu rà soát thực trạng chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) do Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH chủ trì đã có những trải nghiệm đáng nhớ về thực trạng các nhóm trẻ tư thục đang hoạt động tại đây.
Với phạm vi nghiên cứu là các nhóm trẻ tư thục dành cho trẻ dưới 36 tháng hoạt động tại các KCN, KCX 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Vĩnh Phúc, sáng 5/10 tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã có những chia sẻ ban đầu về thực trạng hoạt động của các nhóm trẻ này. Đây được coi là tiền đề để nhóm đề xuất giải pháp phù hợp với chính sách chăm sóc cho các bé dưới 36 tháng ở các điểm nóng này.
Thành viên của nhóm, chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Thị Bích Thúy chia sẻ, thực trạng chung khi chị Thúy và đồng nghiệp trực tiếp khảo sát tại các nhóm trẻ tư thục ở cả 3 tỉnh là cơ sở vật chất quá lạc hậu, xuống cấp. Nhiều nơi khiến nhóm gần như rơi nước mắt vì chất lượng chăm sóc trẻ quá tồi tàn.
“Nhà cửa lụp xụp, chưa vào tới nơi đã ngửi thấy mùi hỗn tạp đặc trưng từ xa. Chúng tôi men theo mùi ấy để tìm vào các nhóm trẻ nhỏ lẻ nằm sâu trong các KCN. Nhiều nơi còn không có nổi bàn ghế cho trẻ ngồi, chỉ ngồi chiếu, những chiếc chiếu ướt nhẹp nước mà không rõ bao lâu rồi các cô chưa giặt. Mọi thứ ẩm thấp, tồi tàn đến nỗi chúng tôi nghĩ rằng, cha mẹ phải rất khó khăn, bần cùng mới gửi con vào đây”- chị Thúy chia sẻ.
Khi phỏng vấn cha mẹ các bé, chính họ cũng cho nhóm nghiên cứu biết, những cơ sở như thế so với tình trạng chung trong khu vực là đã sạch nhất, tốt nhất rồi. “Một căn phòng bé xíu với hàng chục cháu, một cô trông mấy phòng và chủ yếu để các cháu chơi với nhau, không hề có sân và các cháu không được ra ngoài hít thở không khí”- chị Bích Thúy kể.
Lý do mà phụ huynh tại các KCN chấp nhận gửi con ở các nhóm trẻ này, theo các chuyên gia khảo sát là vì đây là những nơi có thể trông con họ đến tận đêm khi họ phải tăng ca. Dĩ nhiên, chi phí hàng tháng rất hợp lý so với đồng lương ít ỏi của họ.
Khó khăn chồng chất là vậy nhưng vấn đề chính sách đang gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử như chính sách xã hội hóa giáo dục chưa có áp dụng với các cơ sở này vì cơ sở có quy mô dưới 100 trẻ, theo quy định họ không được hưởng ưu đãi về vay vốn, đầu tư cơ sở vật chất...
Trong khi đó, các cơ sở chăm sóc trẻ có quy mô lớn hơn một chút thì đối mặt với việc thiếu quỹ đất. Nhiều cơ sở đành chọn cách thuê nhà dân nhưng rủi ro cao vì hợp đồng thuê nhà chỉ được ký năm một, không ký dài hạn do đó không thể đầu tư dài hạn.
Một số nơi như Bình Dương, tỉnh có cơ chế huy động chuyển đổi đất ở KCN sang đất dịch vụ để xây dựng nhà trẻ thì lại quá xa khu dân cư của công nhân các nhà máy. Vì xa nên không ai mặn mà với nơi mới, họ lựa chọn cách gửi con gần nơi ở để tiện việc đưa đón, chăm sóc trong khi quỹ thời gian quá hạn hẹp.
"Vướng" trong chính sách hỗ trợ nhóm trẻ tư thục
Tháng 3/2014, trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 404 về “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại KCN, KCX đến năm 2020”. Đề án đã nhận được nhiều ủng hộ. Tính đến nay, có hơn 200 cơ sở đăng ký triển khai- con số vượt quá mục tiêu ban đầu của đề án.
Dù đang thực hiện rà soát chỉ trong năm 2016 nhưng nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nhiều vướng mắc về mặt chính sách đối với các nhóm trẻ tư thục đang hoạt động trong phạm vi 3 tỉnh nói trên.
Theo đó, trong khi nhu cầu gửi trẻ càng lớn, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhóm trẻ tư thục vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, vẫn có nhiều nhóm lớp “chui” hoạt động ngang nhiên. Kéo theo đó là chất lượng của chủ cơ sở và giáo viên giữ trẻ.
“Có những nơi chúng tôi đến, người trông trẻ là hai vợ chồng già. Khi vợ đi vắng, mọi hoạt động gần như ngừng trệ vì một mình người đàn ông này không thể đảm trách việc trông trẻ do không có một chút nghiệp vụ nào. Khi mở lớp tập huấn nghiệp vụ, rất ít người tham gia vì đơn giản họ bận trông trẻ từ thứ hai đến chủ nhật, không có thời gian đi học”- chị Bích Thúy nêu thực trạng.
Từ khảo sát thực trạng, nhóm nghiên cứu cho rằng, một số quy định của đề án 404 chưa phù hợp với thực tế như yêu cầu về quỹ đất, thủ tục hành chính vô cùng phức tạp khi chuyển đổi đất công nghiệp sang đất nền để xây nhà trẻ. Lựa chọn được một nhóm trẻ phù hợp trong hàng ngàn nhóm trẻ để hỗ trợ cũng là khó khăn khi triển khai đề án.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đề xuất Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ LĐTBXH cần tham khảo các phát hiện của nghiên cứu về rà soát, đánh giá hệ thống chính sách chăm sóc trẻ em hiện hành, từ đó đề xuất Chính phủ ban hành Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ dưới 36 tháng tuổi giai đoạn 2018-2025.
Đối với đề án 404, nhóm khuyến nghị cần tiến hành tổng kết đánh giá để làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 của đề án. “Chúng tôi cũng khuyến nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho phép đầu tư cơ sở giáo dục mầm non trong KNC, KCX”- bà Bích Thúy nói.