Nhìn thế giới bằng đôi mắt của con

02/06/2018 - 06:31
Không ít bậc cha mẹ áp đặt suy nghĩ của mình để giáo huấn con, nên trẻ sống thiếu cởi mở, ít khi thổ lộ những chuyện thầm kín. Họ chưa ý thức được rằng, chính vì cách ứng xử thiếu tế nhị của mình nên đã đẩy con ra xa...

Đứng trên cao nhìn xuống

 

Cách đây gần 1 tháng, sau khi nghe nhà trường phản ánh con gái mình gia nhập nhóm bạn trong lớp tổ chức đánh hội đồng một bạn học cùng khối, chị Lê Thị Nhân (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chưa rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao, không cần quan tâm đến những phân trần của con, đã suy diễn mọi chuyện theo cách nghĩ của mình, quát tháo con một trận ầm ĩ cho nó “biết thân biết phận”.

6a.jpg
Cha mẹ không những cần lắng nghe con trẻ mà còn phải biết cảm nhận những cảm xúc của chúng. Ảnh minh họa

 

Con gái chị - Minh Nhiên, 12 tuổi, vốn là một cô bé thông minh, lém lỉnh, luôn biết chia sẻ, nay trở thành người im lặng đến mức lì lợm. Cứ đi học về là Nhiên trốn vào phòng, đến bữa chỉ lặng lẽ ăn vội bát cơm rồi lẩn trốn ánh nhìn của mọi người, cha mẹ gặng hỏi gì cũng ậm ừ cho qua chuyện, khiến không khí gia đình rất căng thẳng, ngột ngạt.

 

Khi sự việc được làm rõ, gia đình chị Nhân mới biết, có một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Minh Nhiên chỉ muốn giúp các bạn hòa giải. Cha mẹ thiếu sự thấu hiểu đã đẩy con xa hơn về tâm lý, cũng như khoảng cách và việc giáo dục con trẻ vì thế cũng trở nên khó khăn, vất vả hơn.

 

Gần gũi để hiểu con hơn

 

Người lớn hành động đều có lý do của mình, thì trẻ em cũng vậy. Khi cha mẹ giáo dục con cái thì nên biết gần gũi lắng nghe con, để hiểu con nhìn nhận vấn đề đó như thế nào? vì sao lại có cách hành động như thế? Từ đó, có cơ sở để lý giải biểu hiện hành vi của trẻ trong từng hoàn cảnh cụ thể.

 

Cha mẹ hãy mạnh dạn cho con cơ hội trải nghiệm. Kỹ năng sống chỉ thật sự được hình thành và trở nên thuần thục trong cuộc sống khi trẻ được tự mình giải quyết các vấn đề. Để giáo dục con hiệu quả, cha mẹ phải cho trẻ được thể hiện mình, tận tình giãi bày, giúp đỡ cho con khi chúng thắc mắc, chia sẻ với con khi chúng gặp thất bại.

 

“Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ”. Có những tình huống, với người lớn thì rất dễ dàng thực hiện, nhưng với trẻ có thể là một thử thách đầy chông gai, phải nỗ lực lớn mới có thể vượt qua được. Nên khi được trẻ tin tưởng, nhờ cậy, cha mẹ hãy xích lại gần con để biết con suy nghĩ ra sao, nếu có vẻ hoang đường cũng đừng cười chê, mỉa mai làm thui chột chí tiến thủ của trẻ.

 

Hãy cho trẻ tự giải quyết vấn đề, trẻ sẽ có 50% cơ hội thành công. Còn nếu cấm đoán, trẻ không có cơ hội nào để thể hiện mình. Chẳng hạn với tình huống của gia đình chị Nhân, thay vì giận dữ, tức tối khi biết con có liên quan đến vụ ẩu đả ở trường, cha mẹ cần bình tĩnh, kiên nhẫn trao đổi xem vì sao con lại xuất hiện trong vụ xung đột đó? Xuất hiện với vai trò như thế nào?...

 

Để con được dốc bầu tâm sự, gia đình chị Nhân hẳn sẽ hiểu rõ vấn đề và còn có thể tư vấn cho bé cách giải quyết tình huống cụ thể. Giữa các thành viên trong gia đình có sự bày tỏ và lắng nghe sẽ thấu hiểu hơn và việc giáo dục, định hướng trẻ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

 

 

Cha mẹ không những cần lắng nghe con trẻ mà còn phải biết cảm nhận những cảm xúc của chúng. Khi trẻ kể: “Ở lớp, hôm nay tổ chúng con bị cô giáo nhắc nhở, phê bình”, thì hầu hết phụ huynh sẽ hỏi trẻ với định kiến: “Các con lại phạm lỗi chứ gì?”. Câu hỏi này chỉ khiến trẻ thêm buồn phiền và không muốn mở lòng. Cha mẹ nên đứng trên lập trường của con để biểu thị sự thông cảm của mình đối với trẻ: “Cô giáo đã nhắc nhở các con điều gì vậy?”.

 

Cách nói chuyện này sẽ gợi mở cho trẻ hướng giãi bày, thổ lộ những ấm ức trong lòng. Đôi lúc đó chính là cơ sở để gia đình phối hợp với nhà trường nhằm giáo dục trẻ hiệu quả hơn. Hoặc trẻ tan học về nhà muộn, nếu cha mẹ nóng nảy quát tháo con: “Sao đi học mà con lang thang ở đâu đến giờ này mới về?”, đứa trẻ lập tức “xù lông” chống đối.

 

Cha mẹ sẽ không hiểu được lý do nào khiến con về muộn. Nếu cha mẹ hạ thấp mình xuống, hỏi han nhẹ nhàng: “Sao con về muộn thế? Những ngày trước có thế đâu? Con làm cha mẹ lo quá! Con gặp phải chuyện gì khó xử à?”. Hẳn lúc này, trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ, sẽ thành thật xin lỗi và cố gắng lần sau không về muộn nữa.

 

Trong mọi lúc, mọi nơi rất cần sự tôn trọng dành cho trẻ. Khi trẻ cảm thấy mình được quan tâm, được lắng nghe và ghi nhận chúng sẽ vững tin bước ra cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm