pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhổ răng khôn an toàn: Bác sĩ chia sẻ quy trình thực hiện tránh biến chứng
Vì sao cần phải nhổ răng khôn?
Theo BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược), răng khôn hay còn gọi là răng số 8 là răng nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm, không có nhiều chức năng ăn nhai. Răng khôn chỉ xuất hiện ở người trưởng thành từ 16-30 tuổi.
Khi loài người còn ăn sống thì chức năng của răng khôn cũng tương tự như các răng hàm khác.
Nhưng từ khi biết dùng lửa để nấu ăn, thức ăn trở nên mềm hơn, bộ hàm của chúng ta không phải làm việc nhiều nữa. Sau một quá trình tiến hóa thì chúng co nhỏ lại.
Mặc dù hàm của chúng ta nhỏ lại nhưng vẫn phải chứa được 32 cái răng. Và khi răng khôn mọc lên, có thể 28 chiếc răng của bạn đã chiếm hết vị trí trong hàm rồi. Do đó, nó có thể thay đổi góc mọc, chèn vào răng hàm bên cạnh. Từ đó gây đau, sưng tấy. Nó cũng làm hàm răng của chúng ta dễ sưng đau hơn vì dễ mắc răng, vệ sinh khó.
"Thế nên để cứu vãn hàm răng của bạn, người ta phải nhổ nó đi trước khi có những điều tồi tệ hơn xảy ra", BS Huy giải thích.
Nhổ răng khôn an toàn cần đảm bảo quy trình thế nào?
BS Nguyễn Thanh Tuấn (chuyên khoa Răng Hàm Mặt, làm việc tại Hà Nội) khẳng định, nhổ răng khôn không được tiến hành tùy ý mà cần có chỉ định của bác sĩ.
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chụp X-quang răng. Từ đó xác định được vị trí, hướng mọc của răng cũng như xem xét chân răng to hay nhỏ để đưa ra kế hoạch tiểu phẫu phù hợp.
Tiếp đến, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu nhằm kiểm tra độ đông máu có đạt điều kiện thực hiện tiểu phẫu không. Sau đó sẽ có kết luận về việc điều trị các tổn thương hoặc viêm nhiễm nếu có.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như giảm đau nhức trong quá trình tiểu phẫu. Bước đầu tiên bệnh nhân sẽ được gây tê. Bởi vì việc nhổ răng có thể tác động đến các dây thần kinh nên sẽ có cảm giác đau đớn. Đặc biệt là những răng khôn mọc chìm. Do đó, sử dụng thuốc gây mê hoặc gây tê khi nhổ răng khôn là cần thiết.
"Sau 1 – 1,5 tiếng, thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ có cảm giác hơi đau nhức ở vị trí nhổ răng", BS Tuấn chia sẻ.
Sau đó, bác sĩ sẽ rạch nướu để lấy phần thân và chân răng khôn. Trường hợp răng khôn mọc lệch nhiều sẽ phải dùng máy khoan nha khoa cắt răng thành nhiều phần để lấy răng ra dễ dàng hơn. Điều này cũng hạn chế tác động đến xương hàm và các răng cận kề.
Thời gian nhổ răng phụ thuộc vào vị trí và hướng mọc của răng. Trung bình mỗi răng thường chỉ mất khoảng 15 - 30 phút. Tuy nhiên cũng có những trường hợp kéo dài đến vài tiếng tùy theo độ khó của răng số 8.
Chuyên gia nhận định, tiểu phẫu nhổ răng khôn liên quan trực tiếp đến cấu trúc giải phẫu xoang hàm, dây thần kinh… Do đó không thể thực hiện các phương pháp giải phẫu chuyên biệt.
Với những người mắc các bệnh lý toàn thân như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông máu…răng khôn sẽ được giữ lại. Vì vậy, để tránh những biến chứng hậu phẫu, hãy trao đổi rõ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh lý của mình trước đó.
BS Tuấn cũng cho rằng, để giảm thiểu và ngăn ngừa nguy cơ gặp biến chứng sau khi nhổ bỏ răng khôn, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng trước khi tiến hành phẫu thuật. Sau khi nhổ cần thực hiện theo chỉ định của nha sĩ về việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng.