pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhọc nhằn mưu sinh ở làng nghề mộc Chàng Sơn
Chị Nguyễn Thị Ưng với công cụ mưu sinh là chiếc xe kéo tay
Chúng tôi tới xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) để tìm hiểu về làng nghề mộc truyền thống lâu đời của Xứ Đoài. Đi dọc con đường bê tông phẳng lì, hai bên là hai hàng cây xanh ngát và cánh đồng lúa tạo một cảm giác bình yên của một làng quê thanh bình.
Đi sâu vào trong làng, nhà cửa khang trang, tiếng máy cưa, máy tiện kêu râm ran, chúng tôi cảm nhận một làng nghề đang hối hả với công việc thường ngày cùng mùi hương của gỗ thoang thoảng làm cho những vị khách lần đầu đặt chân đến đã thấy lưu luyến.
Lập nghiệp trên quê hương mới
Đang ngồi nghỉ dưới tán cây ở đầu làng sau chuyến hàng, anh Nguyễn Ngọc Bảo, 39 tuổi, quê ở Vạn Ninh, Khánh Hoà, tâm sự cuộc sống hiện tại ở nơi mà anh gọi là "quê hương mới". Anh Bảo và vợ, chị Nguyễn Thị Thuý quê Vân Đồn (Quảng Ninh), trước làm công nhân ở Vạn Ninh, Khánh Hoà.
Tình yêu đến khi hai người là đồng nghiệp, cùng làm việc cho một công ty chế biến hải sản. Mến tính cách, sự chỉn chu và giọng nói ngọt ngào của người con gái miền Bắc nên anh Bảo đã thầm yêu chị Thúy từ những ngày đầu gặp mặt.
Là đồng nghiệp, cùng hoàn cảnh và sự chân thành của anh Bảo đã chiếm trọn trái tim chị Thuý nên một thời gian sau, hai người về cùng một nhà góp gạo thổi cơm chung nguyện sướng khổ đều có nhau. Do công việc ngày càng ít, đồng lương cũng vơi dần, tiền tích cóp cũng chẳng được bao nhiêu nên hai vợ chồng quyết định ngược ra Bắc để mưu sinh và Chàng Sơn là bến đỗ của vợ chồng anh chị.
"Tôi là người miền Nam ra đây sống và làm việc nên còn nhiều bỡ ngỡ, như chuyện văn hoá, ăn uống cũng chưa quen. Bạn bè cũng không có ai quen nên những ngày đầu, vợ tôi phải động viên, làm công tác tư tưởng nhiều", anh Bảo kể.
Cũng theo anh Bảo, hiện tại, anh xin làm ở một xưởng gỗ trong làng, với công việc là chở hàng, giao hàng cho các đại lý nên khá bận rộn. Còn vợ anh làm việc nấu ăn cho căng-tin của trường Đại học Quốc gia Hà Nội cách đây vài cây số.
"Tôi làm phụ việc nên thu nhập chưa cao, đi giao hàng cho khách, một ngày công được trả từ 200.000- 250.000 đồng, tính ra một tháng làm đủ công được hơn 6 triệu đồng. Nhưng với tôi, lúc này vậy là tạm ổn. Niềm vui lớn nhất hiện tại là vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng, đó là điều an ủi của hai vợ chồng, dù phía trước cuộc sống còn nhiều khó khăn", anh Bảo cười lạc quan.
Ruộng ít, cuộc sống khó khăn nên phải bươn chải
Vừa xuống hàng là mấy tấm gỗ cho một xưởng ở ven đường, chị Nguyễn Thị Thành (44 tuổi) cho biết, chị sinh ra ở làng gỗ Chàng Sơn, quá trình đô thị hóa nhanh nên đất nông nghiệp thu hẹp dần. Trước đây, gia đình làm nông với cây lúa là chủ đạo nhưng đến nay chỉ bám vài sào ruộng khoán, công việc vất vả lúc nào cũng thiếu trước hụt sau.
Hai vợ chồng bàn nhau, vay mượn để sắm xe kéo điện chở hàng thuê làm kế sinh nhai. "Chồng thì làm cho xưởng gỗ trong làng, còn tôi với công việc chở hàng thuê cũng được hơn 200 ngàn cho một ngày công để cùng chồng nuôi các con ăn học", chị Thành tâm sự.
Đang tất tả đẩy xe kéo tay cho kịp chuyến hàng mới, người bui lấm lem, mồ hôi nhễ nhãi vì nắng nóng, chị Nguyễn Thị Ưng (52 tuổi, xóm Đình, Chàng Sơn) tâm sự, chị là mẹ đơn thân nên cuộc sống vất vả vô cùng, người ta có đôi có cặp thì vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, gồng gánh cho nhau dù cuộc sống còn khó khăn, còn mình chị lại thui thủi.
Chị Ưng lấy chồng là người ở xóm dưới nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Ban đầu, cuộc sống vợ chồng trẻ cũng cũng hạnh phúc như bao người nhưng từ lúc các con lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo, gạo tiền nên anh ấy đổi tính đổi nết và tính ghen tuông lại nổi lên.
"Anh ấy hay ghen, không chịu tu chí làm ăn. Mình đi làm đã vất vả là vậy nhưng chồng lại không hiểu nên ghen vô lối rồi lôi vợ ra đánh trước mặt các con và trận đòn này tiếp trận đòn kia ngày càng nhiều lên...", chị Ưng lén lau giọt nước mắt chực trào.
Theo lời chị Ưng, sau nhiều trận đòn từ người chồng vũ phu, chị quyết định ly hôn và nuôi hai con... Hiện tại, chị đã lên chức bà nội nhưng cuộc sống gia đình của các con cũng khó khăn nên chị vẫn phải làm lụng để phụ thêm nuôi các cháu.
Với công việc thu gom mùn cưa của các xưởng gỗ trong làng, sau đó chị đi bán lại cho một đầu mối thu mua làm kế sinh nhai. "Công việc nặng nhọc, vất vả, người lúc nào cũng lấm lem với bụi gỗ, mùn cưa nhưng một ngày công chỉ được 200.000 đồng, hôm nào mà gom được nhiều thì ngày công có nhỉnh hơn chút", chị Ưng cho biết.