Nhói đau, day dứt khi tham gia phiên tòa xét xử những bị cáo tuổi vị thành niên

Hải Linh (thực hiện)
15/09/2022 - 19:30
Nhói đau, day dứt khi tham gia phiên tòa xét xử những bị cáo tuổi vị thành niên

Một phiên toà xét xử trẻ vị thành niên phạm tội. Ảnh minh họa: VKS

“Hoàn cảnh của cả 3 bị cáo tuổi vị thành niên tại phiên toà đều đáng thương. Có bị cáo bố mất, mẹ đi lấy chồng, có bị cáo bố mẹ ly hôn, có bị cáo mẹ ung thư hàng ngày phải ở bệnh viện nên không có người bảo ban dạy dỗ...”.

Đó là chia sẻ của luật sư Hồng Liên, Đoàn Luật sư Hà Nội, sau phiên toà xét xử hình sự "tội cướp giật tài sản" của 3 bị cáo tuổi vị thành niên vừa diễn ra tại Toà án nhân dân huyện Ba Vì, Hà Nội.

Rủ nhau cướp giật tài sản để tiêu xài cá nhân

Theo cáo trạng, do cần tiền để tiêu xài cá nhân nên N.V.T (SN 2007) đã rủ V.T.Đ (SN 2006) và N.D.V (SN 2005) nhà cùng ở TP Hà Nội đi cướp giật tài sản. Để có phương tiện thực hiện, N.V.T và V.T.Đ đã mượn chiếc máy Honda wave của một người đàn anh. Trong khoảng thời gian từ ngày 10/1/2022 đến ngày 14/1/2022, các bị can đã cùng nhau thực hiện 4 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các tài sản cướp được gồm các loại điện thoại và một số tiền, tổng trị giá là 41.350.000 đồng. Các nạn nhân đều là phụ nữ. Trong đó, của chị Phạm Thị Huyền số tiền 28.150.000 đồng; của chị Lê Thị Quỳnh Mai số tiền 8.500.000 đồng; của chị Patra số tiền 4.000.000 đồng và chị Nguyễn Thị Kim Dung số tiền 700.000 đồng.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của các nạn nhân, các đối tượng đều dùng để ăn tiêu cho cá nhân.

Các bị cáo chưa có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, phạm tội dưới 18 tuổi nên đã nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Có bị cáo được tại ngoại, có bị cáo bị phạt 24 tháng giam giữ.

Nhói đau, day dứt khi tham gia xét xử những bị cáo tuổi vị thành niên  - Ảnh 1.

Những phiên toà xử các bị cáo tuổi vị thành niên luôn khiến người dự khán đau lòng. Ảnh minh hoạ: VKS

Những giọt nước mắt sợ hãi trước tòa

Gương mặt thoáng buồn khi nhắc đến phiên toà mà mình vừa tham gia bào chữa cho 1 bị cáo ở tuổi vị thành niên, trạc tuổi của con chị, luật sư Hồng Liên chia sẻ: "Sau phiên toà, tôi vẫn day dứt và xót xa với hình ảnh 3 bị cáo tuổi vị thành niên với gương mặt còn ngơ ngác đứng trước vành móng ngựa cứ vừa trả lời cán bộ toà án vừa khóc nức nở. Những giọt nước mắt vừa sợ hãi, vừa ăn năn của 3 bị cáo tuổi mới lớn như xoáy vào lòng những cán bộ toà chúng tôi với nhiều nỗi đau, tiếc nuối của người làm cha, làm mẹ".

Ngoài tiếng khóc của những bị cáo tuổi vị thành niên, còn là tiếng nấc nghẹn của người mẹ bị cáo ngồi ở hàng ghế phía sau lưng các bị cáo. "Tôi vẫn nhớ gương mặt người mẹ 8X ấy hốc hác, tiều tụy, trông già hơn hàng chục tuổi so với những người mẹ bình thường khác. Mẹ của bị cáo chỉ biết thở dài, nghẹn ngào không thể thốt lên lời, ánh mắt dán chặt vào đứa con trai là bị cáo với nỗi đau câm lặng. Rồi cô ấy nói: Con tôi có tội với pháp luật, với xã hội, cũng là lỗi của tôi".

Con phạm tội, có lỗi một phần của cha mẹ

Mẹ của bị cáo N.D.V (2005) ngồi ở hàng ghế phía sau bị cáo với gương mặt thẫn thờ, loang  nước. Ở tuổi 40 nhưng người phụ nữ này đã có 2 đời chồng. Người chồng đầu tiên có với chị 3 người con, bị cáo là con thứ 3 của họ. Nhưng người chồng không may chết sớm, để lại mình chị 3 đứa con thơ dại. Hoàn cảnh khó khăn đưa đẩy, chị tái giá lần thứ 2 và sinh thêm 3 con nhỏ, cùng mẹ khác cha với bị cáo N.D.V.

Vướng bận mưu sinh nuôi cả đàn con thơ, gánh nặng cuộc sống càng chồng chất lên vai người mẹ này. Người thân bên nội cũng già yếu, nghèo khó, không thể giúp gì cho mẹ con bị cáo. Dẫu bệnh tật bủa vây nhưng chị vẫn đi làm thuê cho hàng bún đậu để cùng chồng nuôi đàn con khôn lớn. Chồng chị cũng đi làm thuê xa nhà. Thời gian để dạy bảo con cái gần như không có. Chỉ đến khi biết con mình phạm tội, người mẹ này mới bàng hoàng, đau xót vì đã không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con, khiến con sớm sa chân vào con đường phạm tội.

Nhói đau, day dứt khi tham gia xét xử những bị cáo tuổi vị thành niên  - Ảnh 2.

Luật sư Hồng Liên

Tâm sự ngắn ngủi và những giọt nước mắt đau xót của người mẹ bị cáo ấy khiến những người có mặt tại khán toà đều thương cảm. Hoàn cảnh gia đình nheo nhóc, thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ đã tác động đến động cơ phạm tội của bị cáo.

"Là luật sư bào chữa cho bị cáo, tôi cũng là người mẹ có con đang trong độ tuổi vị thành niên, nên càng thấu hiểu tâm trạng của người mẹ ấy. Tôi nghĩ cần có sự phối hợp của của các cơ quan ban ngành như công an, tổ dân phố, hội phụ nữ, gia đình, nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi vị thành niên để tuyên truyền về pháp luật đến các con. Để các con tự ý thức được những hành vi của bản thân, những hành vi vi phạm pháp luật, để các con tránh được những bản án đáng tiếc như thế này", luật sư Hồng Liên chia sẻ.

Theo luật sư Hồng Liên, nguyên nhân khiến những đứa trẻ mới lớn phạm tội, ngoài hoàn cảnh gia đình đặc thù, còn xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý, do các bị cáo chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến những hành vi có tính chất bột phát, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Dẫu bị cáo là người sai phạm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tuy nhiên đó cũng có phần lỗi của người làm cha, làm mẹ. Họ vì cuộc sống mưu sinh, vì hoàn cảnh đặc biệt của gia đình ly hôn, đã buông lỏng quản lý, không sát sao, chia sẻ với con để hiểu những điều bọn trẻ đang nghĩ, đang muốn làm.

Tại phiên tòa xét xử các bị cáo tuổi vị thành niên phạm tội "Cướp giật tài sản", các bị cáo vừa trả lời Hội đồng xét xử vừa khóc - những giọt nước mắt vừa sợ hãi, vừa ăn năn, và đó cũng là một bài học quá đắt với cả 3 bị cáo cho tuổi thanh xuân vừa của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm