Nhóm bạn trẻ “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm ở TPHCM

Nguyễn Tuấn Khang
25/10/2023 - 22:37
Nhóm bạn trẻ “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm ở TPHCM

Nhóm Sài Gòn Xanh giải cứu kênh mương chết ở TPHCM.

Cuối tháng 12/2022, những bạn trẻ năng động, yêu thiên nhiên, môi trường đã tụ họp nhau lại và thành lập nên nhóm Sài Gòn Xanh. Sau gần 1 năm thành lập, nhóm đã tình nguyện dọn dẹp hàng chục con kênh, rạch trên địa bàn TPHCM.

Biệt đội giải cứu kênh đen

Các thành viên nhóm làm nhiều nghề nhưng chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng, lái xe công nghệ, công nhân tự do… Bắt đầu với 5 thành viên, sau một thời gian hoạt động, số thành viên chính thức của nhóm tăng lên 10 người và hơn 150 tình nguyện viên đăng ký tham gia. 

Chia sẻ về mục đích thành lập nhóm, anh Nguyễn Lương Ngọc (27 tuổi, trưởng nhóm Sài Gòn Xanh) cho biết, ý tưởng vớt rác trên kênh rạch và thực hiện các video tuyên truyền về môi trường của nhóm Sài Gòn Xanh được truyền cảm hứng từ nhóm Padawara tại Indonesia.

Chuyện về nhóm bạn trẻ “ăn cơm nhà” đi “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 1.

Nhóm Sài Gòn Xanh trong một buổi "giải cứu" kênh rạch ô nhiễm.

Theo anh Ngọc, hoạt động của nhóm không chỉ có sự tham gia của các bạn trẻ người Việt mà nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cùng bị thu hút. Một trong những thành viên người nước ngoài tham gia tích cực với hoạt động của nhóm là anh Arturas Balynas (quốc tịch Litva, hiện làm giáo viên tiếng Anh ở Đồng Nai).

Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh chia sẻ thêm, hoạt động của nhóm thường diễn ra vào các ngày thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần. Vào những ngày này, các thành viên trong nhóm sẽ tập trung từ sáng sớm và bắt đầu công việc dọn rác từ 6h30'. Mọi người làm việc khẩn trương và kết thúc phần công việc của mình sau khoảng 1 giờ. Sau khi hoàn thành công việc, các thành viên sẽ thay đồ đạc và di chuyển đến nơi làm việc.

Chuyện về nhóm bạn trẻ “ăn cơm nhà” đi “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 3.

Hành trình "giải cứu" một dòng kênh chết ở TPHCM.

Đều đặn, cứ 3 lần 1 tuần, thành viên của nhóm sẽ đi khảo sát khắp các ngõ ngách để tìm xem kênh, rạch nào hôi thối, nhiều rác thì quay video lại rồi lên kế hoạch thu dọn. Khi tìm được nơi cần xử lý, nhóm cũng sẽ liên hệ với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ xe chở rác.

Kênh rạch ở Sài Gòn chằng chịt và nhiều năm nay nhiều dòng ô nhiễm đã ở mức báo động. Khơi thông, dọn rác thì không có cách nào khác là phải dầm mình xuống dòng nước đen ngòm, hôi thối. Nhưng, theo anh Ngọc, đã là tình nguyện viên thì chẳng ngại gì.

Chuyện về nhóm bạn trẻ “ăn cơm nhà” đi “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 4.

Các thành viên đều được trang bị đồ bảo hộ để bảo vệ bản thân khi làm việc.

Do đã làm việc với nhau được một thời gian nên các thành viên trong nhóm phối hợp rất nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp. Các khâu của công việc đều được phân công cụ thể trước khi bắt tay vào làm. Người cào, người hốt, người kéo rác lên bờ, người khuân rác đến khu vực tập kết...

Đưa phong trao lan tỏa ra các tỉnh, thành khác

Là thành viên tham gia từ những ngày đầu, Phan Nhân (23 tuổi, sinh sống tại TPHCM) còn nhớ như in con kênh đầu tiên mà nhóm tiến hành dọn dẹp khi thành lập là con kênh nằm trên địa bàn quận Gò Vấp.

Trong trí nhớ của Nhân, con kênh có màu nước đen như mực và đặc sánh cộng với mùi hôi thối khiến cho các thành viên dù đã bịt khẩu trang kín mít vẫn muốn ói mửa. Ngâm mình trong bùn, nước bẩn cả nhiều giờ đồng hồ, kéo lên hàng tấn rác thải thì đoạn kênh mới cơ bản được khơi thông. Phan Nhân chia sẻ rằng, dọn xong, ai nấy đều mệt mỏi, thịt da nhợt nhạt nhưng được chứng kiến sự cảm kích của người dân quanh đó thì tất cả đều thấy vui mừng.

Chuyện về nhóm bạn trẻ “ăn cơm nhà” đi “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 5.

Chuyện về nhóm bạn trẻ “ăn cơm nhà” đi “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 6.

Hoạt động của nhóm làm lay động những bạn trẻ nước ngoài.

Chứng kiến những kênh, rạch ô nhiễm đầy rác thải bẩn sau khi được dọn dẹp trả lại sự sạch sẽ, Nhân cho biết bản thân cảm thấy rất vui khi được làm một công việc ý nghĩa. Theo Nhân, chính sự đón nhận, quý mến và ủng hộ của người dân là một lý do khiến nhóm có thêm động lực để làm việc.

Để nhóm có thể hoạt động được lâu dài, bền bỉ, anh Nguyễn Lương Ngọc cho rằng việc bảo vệ an toàn cho các thành viên tham gia là yếu tố tối quan trọng. Để làm được điều đó, trước khi tiến hành dọn rác ở đoạn kênh nào, nhóm cũng đều có khảo sát, đặc biệt là khảo sát mực nước dưới kênh.

Chuyện về nhóm bạn trẻ “ăn cơm nhà” đi “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 7.

Dòng kênh ngập rác...

Chuyện về nhóm bạn trẻ “ăn cơm nhà” đi “giải cứu” những dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 8.

...được hồi sinh dưới bàn tay của các thành viên nhóm Sài Gòn Xanh.

"Các thành viên tham gia vớt rác tại các kênh, rạch đều được trang bị đồ bảo hộ, găng tay và được phân công những phần việc phù hợp với sức khỏe của mình. Khi mới làm, các thành viên trong nhóm gặp không ít tác động ảnh hưởng đến sức khỏe. Phần lớn đều bị sốt và dị ứng vì môi trường nơi đó khá ẩm, hôi thối và nhiều vi khuẩn độc hại. Trong quá trình thu gom rác, cũng gặp nhiều nguy hiểm như mảnh sành, kim tiêm, hóa chất dễ gây bỏng da, dị ứng da, hô hấp…", anh Ngọc cho biết.

Về kế hoạch trong tương lai, anh Ngọc chia sẻ, nhóm sẽ làm về tất cả các mảng như trồng cây, xử lý pin, xóa những bức tường bị xịt sơn giúp tăng vẻ đẹp của thành phố. Tới đây, không chỉ tiến hành dọn rác, khơi thông các kênh rạch tại TPHCM, nhóm còn dự định tiến hành công việc tương tự tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm