pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhóm máu có thể dự đoán nguy cơ đột quỵ sớm không?
Nhóm máu của bạn có thể cho bạn biết nhiều điều về bản thân, chẳng hạn như nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định: nguy cơ hình thành cục máu đông và thậm chí là nguy cơ bị sỏi thận. Hiện nay, có bằng chứng cho thấy nhóm máu của bạn cũng có thể dự đoán nguy cơ đột quỵ.
1. Mối liên hệ giữa nhóm máu và nguy cơ đột quỵ
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Neurology cho thấy rằng một số nhóm máu nhất định có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn hoặc thấp hơn trước tuổi 60.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Maryland cho biết trong một thông cáo báo chí rằng nghiên cứu đột phá này có thể dẫn đến những cách mới tiềm năng để ngăn ngừa đột quỵ ở người trưởng thành trẻ tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu bằng cách thực hiện phân tích tổng hợp 48 nghiên cứu về di truyền và đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm 17.000 bệnh nhân đột quỵ và gần 600.000 người chưa từng bị đột quỵ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét tất cả dữ liệu di truyền được thu thập từ những người tham gia để xác định các biến thể di truyền liên quan đến đột quỵ và tìm thấy mối liên hệ giữa đột quỵ khởi phát sớm (xảy ra trước 60 tuổi) và gen xác định nhóm máu là A, AB, B hay O.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm máu A có liên quan đến nguy cơ đột quỵ sớm cao hơn 18%. Điều này bao gồm nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn, có thể gây ra đột quỵ. Ngược lại, những người có nhóm máu O có nguy cơ đột quỵ sớm thấp hơn 12% so với các nhóm máu khác. Cũng có một nguy cơ nhỏ về cả đột quỵ sớm và muộn ở những người có nhóm máu B.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2020 trên tạp chí Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã so sánh những người có nhóm máu O với những người có nhóm máu A hoặc B và phát hiện ra rằng những người có nhóm máu B có khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn 51% và khả năng mắc thuyên tắc phổi cao hơn 47%.
Ty nhiên, nghiên cứu về nguy cơ đột quỵ ở các nhóm máu vẫn còn sự hạn chế về nhóm dân số tham gia, chỉ có 35% người tham gia không phải là người châu Âu. Do vậy, để có kết quả khách quan hơn cần dân số ở nhiều lục địa tham gia hơn.
2. Yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ
Cùng với di truyền và nhóm máu, có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, có yếu tố còn rất phổ biến:
- Tuổi tác: Sau 55 tuổi, nguy cơ đột quỵ của bạn tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, trong khi đột quỵ thường xảy ra nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên, cứ 7 người thì có một người đột quỵ ở độ tuổi từ 15 đến 49. Do đó, bất kể ở tuổi tác nào bạn cũng không nên chủ quan với tình trạng này.
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn nam giới. Phụ nữ trẻ từ 35 đến 45 tuổi có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 44% so với nam giới cùng độ tuổi. Mang thai và sử dụng thuốc tránh thai là một yếu tố có thể làm tăng tỷ lệ đột quỵ ở phụ nữ.
- Mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến tim mạch: huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao, béo phì, thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Duy trì lối sống và chế độ ăn uống không lành mạnh: Vận động ít, ăn nhiều thực phẩm có muối và chất béo xấu, hút thuốc... đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý có thể gây đột quỵ.
3. Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ?
Mặc dù mọi người không thể thay đổi nhóm máu của mình, nhưng vẫn có những yếu tố nguy cơ đột quỵ khác mà mọi người có thể kiểm soát để giúp giảm nguy cơ. Cụ thể:
- Bỏ thuốc lá hoàn toàn vì hút thuốc sẽ làm tăng huyết áp và giảm oxy trong máu - các yếu tố liên quan đến đột quỵ.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol, đồng thời ăn nhiều trái cây và rau quả. Bạn có thể tham khảo và ăn theo chế độ Địa Trung Hải, chế độ ăn rất tốt cho nhiều tình trạng sức khoẻ.
- Tập thể dục thường xuyên. Mỗi ngày bạn nên dành ra 30 phút để tập thể dục với cường độ vừa phải. Bạn nên thay đổi các bài tập trong tuần để tránh bị chấn thương, kiệt sức hay nhàm chán. Chạy bộ, bơi lội, yoga, đạp xe, cầu lông... là những bài tập bạn có thể lựa chọn.
- Kiểm soát các yếu tố có thể gây đột quỵ như cholesterol (làm xét nghiệm định kỳ để kiểm soát chỉ số này), huyết áp cao (đo huyết áp mỗi ngày), bệnh tiểu đường (đo đường huyết và sử dụng thuốc nếu được chỉ định).
- Giữ cân nặng ở mức vừa phải. Nếu chỉ số BMI vượt quá 23, ban nên xây dựng lại chế độ ăn uống và luyện tập để giảm cân.
Triệu chứng của đột quỵ mà mọi người cần phải biết
+ Đột nhiên bị tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.
+ Đột nhiên bị lú lẫn, khó nói hoặc khó hiểu lời nói.
+ Đột nhiên gặp vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
+ Đột nhiên gặp khó khăn khi đi lại, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp.
+ Đau đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
Hãy gọi 115 ngay nếu bạn hoặc người khác có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.