pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhóm “mẹ mìn” chuyên tìm phụ nữ để bán sang Trung Quốc
Lực lượng Công an làm việc với bị can Lương Thị Hải. Ảnh: Bộ Công an
Cùng lúc phạm 3 tội danh
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, vừa triệt phá thành công đường dây mua bán người, qua đó khởi tố, bắt giam nhiều bị can về các hành vi "Mua bán người", "Mua bán người dưới 16 tuổi" và "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".
Theo hồ sơ của cơ quan Công an, năm 2015, Lương Thị Hải (SN 1994, quê quán huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, thông qua các trang mạng xã hội, Lương Thị Hải quen biết với Thái Thị Hậu (SN 1997, quê quán huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) và Huỳnh Mộng Linh (SN 1987, quê quán huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cũng lấy chồng Trung Quốc và sinh sống cùng địa phương quê chồng.
Đến khoảng năm 2020, thông qua Hậu, Lương Thị Hải đã làm quen với Phạm Thị Tú (SN 1962, ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Sau đó, các đối tượng cấu kết với nhau tìm kiếm phụ nữ Việt Nam có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc để tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính. Nhóm này phân công Phạm Thị Tú đóng vai trò trực tiếp tìm kiếm phụ nữ ở Việt Nam để thỏa thuận đưa sang Trung Quốc, nếu đồng ý thì gia đình của những phụ nữ này sẽ được nhận từ 90-100 triệu đồng.
Sau khi tìm được những "con mồi" thích hợp, Phạm Thị Tú đưa họ xuất cảnh trái phép thông qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới. Khi những phụ nữ đã vượt biên, Lương Thị Hải thuê Hậu và Linh tìm những đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ để mai mối. Tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người phụ nữ, những người đàn ông Trung Quốc phải trả cho Lương Thị Hải số tiền từ 300 - 400 triệu đồng.
Sau khi lấy chồng Trung Quốc, một số phụ nữ đã bị đánh đập, ngược đãi muốn về Việt Nam thì gia đình họ phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận trước đây, đồng thời lo chi phí nhập cảnh trái phép với số tiền 20 triệu/người.
Bằng thủ đoạn trên, từ đầu năm 2020 đến năm 2021, các đối tượng đã tổ chức cho nhiều phụ nữ tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Bình Dương… xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Đặc biệt trong số những phụ nữ này có những trường hợp nằm trong độ tuổi vị thành niên.
Hiện các đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam, riêng bị can Thái Thị Hậu đã bỏ trốn nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra Quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm.
Cách ứng phó khi chẳng may trở thành nạn nhân
Theo Bộ Công an, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người dân tộc thiểu số). Đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép…
Cũng theo Bộ Công an, nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, giữ thông tin bí mật không để các đối tượng nghi ngờ, tìm cách báo cho gia đình, người thân, cơ quan quản lý nhà nước nơi gần nhất hoặc nhà chức trách nước sở tại về địa điểm, địa danh của mình để được hướng dẫn, giúp đỡ giải cứu an toàn.
Người dân có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ. Việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân được quy định tại Chương IV và Chương V của Luật phòng, chống mua bán người.