Nhóm sinh viên với dự án khởi nghiệp xem quảng cáo để làm... từ thiện

14/01/2019 - 10:39
“Khi bắt đầu dự án LALAS, ba mẹ thường hỏi ra trường rồi đi làm từ thiện thì sau này sống sao? Nhiều người hàng xóm hay hỏi em bây giờ làm gì? Lương bao nhiêu? …” bạn Lê Bích Thùy (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) chia sẻ.

Dự án của tình bạn

Khởi nghiệp bằng từ thiện liệu có thực tế? thậm chí nhiều người không hài lòng khi đem từ thiện ra kinh doanh? Gia đình phản đối và áp lực về kinh tế sau khi ra trường… đó là những trở ngại ban đầu khi nhóm quyết định khởi nghiệp với mô hình LALAS. Thế nhưng, vượt qua mọi rào cản, nhóm bạn trẻ đã xây dựng thành công và bước đầu đạt được nhiều kết quả nhất định. Đặc biệt hơn, nhóm đã giúp đỡ cho 18 trường hợp khó khăn với số tiền gần 50 triệu động sau hơn 8 tháng hoạt động.

5.jpg
Nhóm tác giả của dự án LALAS 

Nhóm tác giả gồm Nguyễn Lê Thiện Nhân (nhóm trưởng), Hoàng Võ Đức Tài (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), Lý Tiến, Nguyễn Thanh Phong (Trường ĐH FPT), Nguyễn Anh Đức (Học viện Bưu chính viễn thông) và Lê Bích Thùy (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM).

 

Là một nhóm bạn thân thời cấp 3 ở Rạch Giá, Kiên Giang, nhóm bạn trẻ dù mỗi người học mỗi trường đại học khác nhau nhưng cùng chung một ước muốn giúp đỡ người nghèo khó. “Tụi em luôn ấp ủ sẽ tạo ra một sản phẩm để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, tụi em còn chứng kiến có nhiều người bạn gặp khó khăn nhưng không có khả năng giúp đỡ. Sau đó tụi em nghĩ: trong nhóm có 4 người học về lập trình, tại sao không dùng khoản tiền nhận được từ quảng cáo trên thiết bị di động để hỗ trợ cho xã hội. Từ đó, ý tưởng tạo ra LALAS được ra đời. Tháng 6/2017 chính thức bắt tay vào làm ứng dụng”. Nhóm trưởng Nguyễn Lê Thiện Nhân chia sẻ.

 

Đến tháng 5/2018, sản phẩm chính thức chạy thử nghiệm tại trường đại học Công Nghiệp và giới thiệu cho người thân sử dụng nhằm thăm dò ý kiến và nâng cấp sản phẩm. “Chạy thử nghiệm còn để xem nhà quảng cáo họ có đồng ý phương pháp này để quảng cáo. Những người sử dụng họ cảm thấy như thế nào về sản phẩm này?” Bạn Hoàng Võ Đức Tài cho biết.

4.jpg
LALAS đã hỗ trợ cho nhiều trường hợp khó khăn 

Tên gọi LALAS được lấy cảm hứng từ chữ lá lành trong câu “lá lành đùm lá rách”. Đây là một ứng dụng trên điện thoại di động có thể tạo ra tiền từ việc xem quảng cáo. Người sử dụng có thể lựa chọn hỗ trợ các trường hợp cần giúp đỡ thông qua việc xem các video quảng cáo với độ dài 15 - 30 giây. Số tiền thu được từ việc xem quảng cáo của khách hàng sẽ được tổng hợp, thống kê cụ thể và chuyển đến với các trường hợp cần giúp đỡ. Người dùng tải app LALAS xuống và sử dụng trên di động là có thể giúp đỡ nhiều trường hợp mà không tốn phí.

 

Số tiền cần huy động cho mỗi trường hợp được thông báo cụ thể và sẽ kết thúc ngay khi đạt được số tiền cần thiết hoặc hết thời gian diễn ra của sự kiện. Toàn bộ số tiền sẽ được chuyển đến trường hợp cần giúp đỡ với sự giám sát, kiểm chứng của một đơn vị thứ ba.

 

Không chỉ vậy, ứng dụng còn cho phép người dùng chuyển tiền trực tiếp, thông qua việc làm các khảo sát, trả lời các câu hỏi hoặc có thể tương tác với nhau, chia sẻ trường hợp cần giúp đỡ để kêu gọi lên các trang mạng xã hội khác.

 

“Tùy vào đối tượng người dùng sẽ có quảng cáo phù hợp ví dụ như bạn trẻ sẽ quảng cáo về Tik tok, hay người lớn thì quảng cáo cho shopee, bán hàng… Tụi em liên kết với 3 bên, thứ 1 là các bạn sinh viên, học sinh muốn làm từ thiện mà chưa có điều kiện, bây giờ có thể làm từ thiện bằng cách xem quảng cáo, sau này sẽ tìm cách tiếp cận nhiều người hơn. Thứ 2 là các đối tượng muốn là từ thiện mà chưa có nguồn để hỗ trợ như các trường ĐH. Thứ 3 là bên phân phối quảng cáo, những người cung cấp quảng cáo”. Bạn Lê Bích Thùy nói.

2.jpg
LALAS là dự án khởi nghiệp mang tính nhân văn và sáng tạo 

“Nhiều người đặt câu hỏi và không hài lòng khi đem câu chuyện làm từ thiện để kinh doanh. Nhưng tụi em hoàn toàn không kinh doanh trên câu chuyện làm từ thiện mà phát triển các tiện ích kèm theo trong ứng dụng, từ đó có được nguồn doanh thu tốt để phát triển và đưa ứng dụng đến gần hơn với mọi người. Và thay vì khởi nghiệp chỉ tạo kinh tế, tụi em vẫn có thể giúp ích được cho cộng đồng”, Nguyễn Lê Thiện Nhân chia sẻ.

 

Ngoài cung cấp những dịch vụ để người sử dụng làm từ thiện, nhóm còn cung cấp các dịch vụ khác cho người sử dụng như tìm kiếm việc làm cho sinh viên, đặt phòng trọ…

 

“Lửa thử vàng gian nan thử sức”

 

Với một sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường, dự án của nhóm bạn trẻ đòi hỏi một tư duy logic, một tầm nhìn rộng và thông thạo về công nghệ thông tin. Vậy nên, những bước đi đầu đời của dự án luôn vấp phải nhiều khó khăn.

 

“Thứ nhất,  tụi em tìm hiểu mô hình như thế này trên thị trường thì chưa có nên đôi lúc tụi em tự hỏi con đường mình đi có đúng hay không? liệu có thành công? Trong quá trình lập trình vẫn còn gặp nhiều lỗi, nhưng may mắn là khi đưa ra được các bạn chấp nhận và thầy cô đã hỗ trợ rất nhiều" Bạn Thiện Nhân cho biết.

1.jpg
Dự án LALAS đã hỗ trợ cho 18 trường hợp 

Hoàng Võ Đức Tài cho biết thêm: “Nhiều khi muốn làm cái gì cũng phải học lại? nhiều lĩnh vực tụi em chưa nắm được thì phải tự mày mò. May mắn là mỗi bạn mỗi thế mạnh để đóng góp. Ai thích mảng nào thì làm mảng đó. Người thì chuyên lập trình cho thiết bị di động, người thì xây dựng máy chủ để tạo sản phẩm liên tục cho mọi người tương tác. Bạn học luật sẽ hỗ trợ về luật pháp. Một bạn viết văn hay thì viết bài đưa lên trên ứng dụng. Nhiều mảng về kinh tế hay marketing thì tụi em phải tự học”.

 

Bên cạnh đó, nhóm còn gặp khá nhiều trở ngại về áp lực kinh tế sau khi ra trường. “Khi bắt đầu dự án LALAS ba mẹ thường hỏi ra trường rồi đi làm từ thiện thì sau này sống sao? Nhiều người hàng xóm hay hỏi em bây giờ làm gì? Lương bao nhiêu? …” bạn Lê Bích Thùy bộc bạch.

 

Bạn Hoàng Võ Đức Tài cũng cùng chung tâm trạng: “Khi kể với ba mẹ thì cũng hơi e ngại, ba mẹ cũng hơi lo, làm từ thiện rồi còn khởi nghiệp nữa thì tiền đâu sống, bạn bè cùng trang lứa đã đi làm và có lương hướng ổn định rồi. Em xin ba mẹ cho em thời gian thử thách bản thân”.

 

Đến nay, khi sản phẩm đã gặt hái được những thành công nhất định và nỗ lực của các bạn đã được gia đình tin tưởng và ủng hộ nhiều hơn.

 

Nguyễn Thị Thương, Bí Thư Đoàn trường ĐH Công Nghiệp TPHCM, nhận xét:  “Đây là dự án khởi nghiệp nhưng mang tính cộng đồng, giúp giải quyết được nhiều cái khó trong công tác hoạt động từ thiện của trường và ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giải quyết các công việc. Một dự án mang cả tính nhân văn lẫn tính sáng tạo. Trong năm, mỗi khi có trường hợp sinh viên của trường gặp tai nạn hay sự cố tôi đều báo cho nhóm thì các bạn đều hỗ trợ hết”.

3.jpg
Ứng dụng của nhóm đã từng giành được giải “Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất” tại cuộc thi Startup Wheel 2018

Hiện nay, dự án đã liên kết và thực hiện các chương trình từ thiện vì cộng đồng với 5 trường đại học tại TP.HCM.  Ứng dụng của nhóm đã từng giành được giải “Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất” tại cuộc thi Startup Wheel 2018 do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội LHTN TP.HCM) tổ chức.

 

Hiện tại, nhóm đã đăng ký thành lập doanh nghiệp. Mục tiêu của nhóm là muốn mọi người trên cả nước sử dụng ứng dụng này và khi có một trường hợp khó khăn thì mọi người sẽ cùng chung tay giúp đỡ.

Clip các bạn trẻ chia sẻ về dự án LALAS:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm