Nhóm thanh niên và nam quan hệ đồng giới có xu hướng "soán ngôi" người có "H"

Bài, ảnh: An Khê
30/11/2022 - 14:23
Nhóm thanh niên và nam quan hệ đồng giới có xu hướng "soán ngôi" người có "H"

Người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa

Là một học sinh giỏi, Tuấn Anh thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Tại đây, ngoài thời gian học tập, cậu còn tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa. Với ngoại hình đẹp, Tuấn Anh được mời đi trình diễn thời trang ở một số sự kiện. Cũng từ một lần đi diễn ấy, cuộc đời Tuấn Anh đã chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn khác.
Quan hệ tình dục không an toàn - đường lây nhiễm chính

Tuấn Anh cho biết: "Hôm đó, sau đêm diễn, cả đoàn được đạo diễn mời đi ăn khuya. Sau khi ăn, các anh chị trong đoàn về hết, đạo diễn đưa em về. Trên xe, anh ấy đã bày tỏ tình cảm với em". Sau khi yêu được 6 tháng, cả 2 chia tay bởi tính cách không hợp nhau. Tuấn Anh bắt đầu rơi vào những cuộc tình đồng giới với những người đàn ông khác, từ học sinh, sinh viên đến các bạn trong giới người mẫu. Đến cuối năm thứ nhất, sau một lần đi hiến máu, Tuấn Anh nhận được giấy xét nghiệm mình đã bị nhiễm HIV. "Em không biết mình đã bị nhiễm HIV từ ai trong số những bạn trai của mình. Nhưng em chắc chắn bị nhiễm từ họ, bởi nhiều lần quan hệ, chúng em đã không dùng biện pháp dự phòng", Tuấn Anh chia sẻ.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, xu hướng đáng lo ngại mới nổi hiện nay, đó là sự thay đổi hình thái lây nhiễm HIV. "Trước đây, nghĩ đến lây nhiễm HIV, chúng ta nghĩ ngay đến những người nghiện chích ma tuý hay mại dâm. Nhưng đến bây giờ, số người bị lây nhiễm HIV lại đang tập trung chủ yếu qua đường quan hệ tình dục không an toàn, chứ không phải qua đường máu do tiêm, chích như trước kia. 

Qua phân tích cho thấy, quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây nhiễm HIV chính trong giai đoạn hiện nay. Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong là 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và 30 - 39 (28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm thanh niên và nam quan hệ đồng giới đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây", bà Hương cho biết.

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12): HIV tăng mạnh ở nhóm thanh niên và nam quan hệ đồng giới - Ảnh 1.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)

Cần chuyển hướng đối tượng can thiệp dự phòng

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, xu hướng này đòi hỏi các tỉnh/thành phố phải có chiến lược phòng, chống HIV/AIDS mới. "Trước đây, chúng ta đưa ra nhiều biện pháp dự phòng trong các nhóm nghiện chích ma tuý thì bây giờ vừa phải lưu ý nhóm này đồng thời phải can thiệp mạnh hơn trong những nhóm thanh niên, nam quan hệ đồng giới, người chuyển giới có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV", bà Thu Hương nhấn mạnh.

Thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục kết hợp với Đoàn Thanh niên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS vào nhà trường, khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, vướng mắc hiện nay là khó huy động các nguồn lực. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần có biện pháp tăng nguồn ngân sách địa phương cho những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí, đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Nếu thời điểm đỉnh cao của dịch cách đây 13 năm, khi đó mỗi năm chúng ta phát hiện được khoảng hơn 30 nghìn trường hợp nhiễm HIV và khoảng 10 nghìn trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì có thời điểm chúng ta đã giảm tỷ lệ này xuống còn tương ứng với 1/3 và 1/5 ở thời kỳ đỉnh cao của dịch. Việt Nam đã giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Đây là những con số rất ấn tượng nói lên sự cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam".

Tuy nhiên, bà Liên Hương cũng nêu rõ, số người nhiễm HIV được báo cáo tăng cao trong 3 năm trở lại đây tới hơn 13 nghìn trường hợp, tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới. Một số tỉnh, khu vực vẫn còn nguy cơ cao bùng phát dịch trở lại như Đồng bằng sông Cửu long, miền Đông Nam bộ. Trong khi đó, nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV mà hiện Quỹ Bảo hiểm y tế không chi trả. Nội dung chi và định mức chi một số hoạt động đặc thù cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt. Do vậy, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS 2022 là "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng". Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Hiv
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm