Nhu cầu "tìm về" mở ra cơ hội phát triển du lịch bản địa

PV
16/07/2025 - 10:21
Nhu cầu "tìm về" mở ra cơ hội phát triển du lịch bản địa

Hướng dẫn du khách vẽ sáp ong

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang chứng minh họ không chỉ là những người gìn giữ văn hóa, mà còn là chủ thể phát triển kinh tế thông qua du lịch. Mô hình “du lịch bản địa” không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa, làm sống dậy những giá trị văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, hành trình đó không bằng phẳng.
Sức hấp dẫn đến từ sự nguyên bản

Tại xóm Sưng (xã Cao Sơn, tỉnh Hòa Bình, nay là tỉnh Phú Thọ) - nơi cư trú của cộng đồng người Dao Tiền - mô hình du lịch cộng đồng đã và đang mang lại những kết quả tích cực. Nằm dưới chân núi Biều, khí hậu trong lành, xóm Sưng được ví như một "ốc đảo". 

Điều tạo nên sức hấp dẫn cho du khách không phải là những công trình nhân tạo mà chính là sự mộc mạc, thuần phác trong đời sống và văn hóa. Từ những ngôi nhà mái lá cọ truyền thống đến hoạt động thêu thùa, in sáp ong, làm giấy dó, đan lát mây tre - tất cả đều mang đậm hồn cốt của người Dao. 

Không dừng ở việc tham quan, du khách còn được trải nghiệm đời sống của người dân, cùng đi làm ruộng, lợp mái nhà, nấu ăn - những trải nghiệm mà du lịch đô thị không thể có được. Ẩm thực nơi đây cũng là một giá trị văn hóa đặc biệt. 

Những món ăn dân dã như rau rừng, cá suối, gà đồi, xôi nếp nương, măng đắng, rượu hoẵng… đều được chế biến từ nguyên liệu bản địa, mang lại trải nghiệm vị giác độc đáo, khơi gợi sự kết nối với thiên nhiên.

Với 78 hộ dân tộc Dao Tiền, kể từ khi làm du lịch vào năm 2017, xóm Sưng đã thành lập Ban điều phối du lịch cộng đồng, chia thành nhóm triển khai do những người trẻ điều hành và nhóm cố vấn do các già làng am hiểu văn hóa đảm nhiệm. 

Sự phối hợp này tạo nên một mô hình vừa năng động vừa bền vững về văn hóa. Hiện tại, xóm có 3 homestay và 4 hộ cung cấp dịch vụ phòng. Nhiều tổ, nhóm dịch vụ khác cũng được thành lập như tổ xe ôm, tổ văn nghệ, tổ dược liệu, tổ giấy dó, tổ thổ cẩm, tổ hướng dẫn viên. 

Nhu cầu "tìm về" mở ra cơ hội phát triển du lịch bản địa - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài cùng người dân xóm Sưng lợp nhà bằng lá cọ, mái nhà truyền thống của người Dao Tiền

Sự tham gia rộng khắp của các hộ dân cho thấy tính cộng đồng cao và tiềm năng phát triển du lịch bản địa rõ rệt.

Những "nút thắt" chưa được tháo gỡ

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, du lịch cộng đồng ở xóm Sưng vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Trở ngại lớn nhất là hạ tầng giao thông. Dù đã có đường bê tông từ năm 2017 nhưng tuyến đường này nhỏ, hẹp, dễ sạt trượt vào mùa mưa. 

Nhiều du khách chia sẻ, họ "không cảm thấy an toàn" khi di chuyển vào xóm. Một điểm yếu khác là trình độ ngoại ngữ và kỹ năng quản lý của các thành viên còn hạn chế. Bản thân chị Bàn Thị Hải, một trong những người điều phối, thừa nhận vẫn phải dùng Google dịch để giao tiếp với khách. 

Đáng nói hơn, du lịch hiện vẫn chưa trở thành nguồn thu chính, ổn định cho phần lớn các hộ gia đình trong xóm. Hoạt động du lịch mới chỉ mang tính thời vụ, đóng vai trò hỗ trợ chứ chưa tạo được đột phá về kinh tế. Điều này khiến nhiều người dân không mạnh dạn đầu tư dài hạn cho dịch vụ du lịch.

Nếu không có sự đầu tư về hạ tầng, nâng cao năng lực và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các tổ chức phát triển, du lịch bản địa - dù có tiềm năng - vẫn dễ bị giẫm chân tại chỗ.

Nhu cầu "tìm về" mở ra cơ hội phát triển du lịch bản địa - Ảnh 2.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang chứng minh họ không chỉ là những người gìn giữ văn hóa, mà còn là chủ thể phát triển kinh tế thông qua du lịch.

Cơ hội từ sự dịch chuyển thị hiếu toàn cầu

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu "tìm về" với những giá trị nguyên bản đang trở thành xu hướng. Nhà nghiên cứu E. Cohen từng nhận định trong khảo sát tại Chiang Mai (Thái Lan): "Du khách tìm kiếm đầu tiên và trước nhất là cuộc sống bộ tộc chân thực, chưa bị ảnh hưởng bởi văn minh hiện đại".

Tại Việt Nam, những địa điểm như Bản Lác (Phú Thọ), Cát Cát (Lào Cai), làng Bhờ Hôồng (TP Đà Nẵng), Đạ Chair (Lâm Đồng), Buôn Đôn (Đắk Lắk)... đã và đang trở thành các mô hình điển hình cho khai thác du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc. 

Điều thú vị là, đối tượng du khách không chỉ giới hạn ở những người trẻ yêu khám phá mà còn mở rộng tới tầng lớp trung niên, trung lưu - những người giàu có mong muốn được sống chậm, trải nghiệm đời sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên. 

Những sản phẩm thủ công truyền thống, những nghi lễ, tập tục văn hóa, trở thành đối tượng khám phá hấp dẫn.

Tuy nhiên, phát triển du lịch bản địa không chỉ là việc "mở cửa đón khách". Nó đòi hỏi một chiến lược bài bản, dài hạn, bao gồm nâng cao năng lực cộng đồng, giữ gìn cảnh quan và bản sắc, kiểm soát tác động môi trường - văn hóa, cũng như đảm bảo lợi ích cho cư dân địa phương.

Câu chuyện của xóm Sưng là minh chứng cho sức sống của văn hóa bản địa và sự sáng tạo của người dân. Nhưng cũng là lời nhắc rằng, nếu không tháo gỡ những "nút thắt" thì ngay cả những nơi có tiềm năng cũng khó có thể bứt phá, vươn lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm