Giải pháp nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số

N.M
12/07/2025 - 20:15
Giải pháp nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số

Phụ nữ Mông làm kinh tế từ việc dệt và may các sản phẩm truyền thống

Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là một nhiệm vụ quan trọng, một yếu tố then chốt cho mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam. Dù đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, phụ nữ DTTS vẫn đối mặt với không ít rào cản từ yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, nhận thức cộng đồng và hạn chế trong việc thực hiện chính sách.

Theo Nghiên cứu có chủ đề "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Một cách tiếp cận định tính" của TS. Lữ Thị Mai Oanh (Đại học Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (Học viện Phụ nữ Việt Nam), TS. Trần Thị Thanh Hà (Đại học Bách Khoa Hà Nội), phụ nữ DTTS vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản lớn trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Những rào cản này bắt nguồn từ yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, nhận thức cộng đồng và cả những hạn chế trong việc thực hiện chính sách ở cấp địa phương. Đáng chú ý, hơn 20% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết, tập trung chủ yếu ở các tộc người vùng cao, biên giới , cùng với khả năng tiếp cận thông tin và kỹ năng quản lý cộng đồng còn hạn chế.

Những mô hình điển hình và bài học kinh nghiệm

Để khắc phục những thách thức này, việc nghiên cứu và áp dụng các mô hình thành công, cùng với xây dựng các đề xuất, kiến nghị thiết thực là vô cùng cần thiết và cấp bách. Bài nghiên cứu Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Một cách tiếp cận định tính tập trung phân tích các mô hình điển hình và những biện pháp khả thi nhằm nâng cao tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ DTTS.

Mô hình tiếp cận có sự tham gia dựa vào cộng đồng (CBPA): Nâng cao vai trò chủ động của phụ nữ

CBPA đặt cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ DTTS, vào vai trò chủ động, coi họ là chuyên gia trong chính cuộc sống và vấn đề của mình. Mô hình này khuyến khích phụ nữ trực tiếp tham gia từ khâu lập kế hoạch, thực hiện, đến giám sát và đánh giá các dự án phát triển.

Giải pháp nâng tầm vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền thuộc xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (cũ), hiện là tỉnh Phú Thọ

Điển hình là mô hình Tostan tại Tây Phi, đã giúp hàng trăm nghìn phụ nữ DTTS tham gia vào các ủy ban quản lý cộng đồng và đưa ra các sáng kiến về quản lý sức khỏe, quyền phụ nữ và giáo dục trẻ em gái. Tại Việt Nam, Hội đồng phụ nữ DTTS tham gia quản trị cộng đồng tại Lào Cai đã nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong các quyết định liên quan đến giáo dục trẻ em gái, phòng chống bạo lực gia đình và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Mô hình nhóm phụ nữ tự quản về phát triển kinh tế ở Sơn La cũng góp phần nâng cao thu nhập trung bình của phụ nữ DTTS thông qua sản xuất nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi cung ứng địa phương. Nhờ các mô hình này, nhiều tỉnh như Cao Bằng và Lào Cai đã vượt mục tiêu giảm nghèo vùng DTTS.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ CBPA là việc xây dựng mạng lưới phụ nữ DTTS để họ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường tiếng nói trong các quyết định chính sách. Hỗ trợ phụ nữ DTTS học ngôn ngữ và kỹ năng nghề cũng giúp họ hòa nhập xã hội và tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Khuôn khổ chính sách tích hợp (IPF): Tạo hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện

IPF là cách tiếp cận đồng bộ, liên ngành, đảm bảo tất cả các chính sách đều hài hòa, bổ trợ lẫn nhau và đặt phụ nữ DTTS vào trung tâm của quá trình hoạch định và thực hiện chính sách (OECD, 2016). Chính sách này kết nối các lĩnh vực như giáo dục, y tế, kinh tế, pháp lý và văn hóa.

Chính sách hòa nhập phụ nữ bản địa của Canada (Indigenous Women's Framework) là một ví dụ tiêu biểu, tích hợp giáo dục, phát triển kinh tế, văn hóa và quyền sở hữu đất đai (Government of Canada, 2021). Tương tự, Chiến lược phát triển phụ nữ DTTS của New Zealand (Māori Women's Development Strategy) tập trung vào giáo dục, đào tạo và kinh tế, giúp phụ nữ Māori tích cực tham gia vào quản lý và lãnh đạo cộng đồng (Ministry of Māori Development, 2020). Tại Uganda, tổ chức UWONET đã vận động thành công việc sửa đổi Luật Đất đai năm 1998 để đảm bảo quyền sở hữu đất đai cho phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ DTTS.

IPF giúp Việt Nam xây dựng một khung chính sách liên ngành, không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế đơn lẻ mà còn xử lý tận gốc các rào cản văn hóa, xã hội và giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ DTTS trở thành những tác nhân tích cực.

Các sáng kiến xây dựng năng lực (CBI): Trao quyền trực tiếp cho phụ nữ DTTS

CBI hướng tới việc trao quyền trực tiếp thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật và khả năng lãnh đạo cho phụ nữ DTTS (UNDP, 2018). Sáng kiến này nhấn mạnh việc phụ nữ phải có đủ năng lực để sử dụng các cơ hội phát triển một cách chủ động và hiệu quả nhất.

Mô hình ECMIA ở Châu Mỹ Latinh là một mạng lưới phụ nữ bản địa, tập trung vào việc thúc đẩy quyền tự quyết, bảo vệ quyền lợi và tăng cường sự tham gia của phụ nữ bản địa vào các quyết định chính sách thông qua các chương trình đào tạo lãnh đạo, kỹ năng quản lý tài chính và truyền thông vận động chính sách. Tại Ấn Độ, Hiệp hội phụ nữ tự kinh doanh (SEWA) đã cung cấp các dịch vụ tài chính, đào tạo kỹ năng, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ pháp lý cho gần 2 triệu phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức, giúp họ nâng cao năng lực kinh tế và tiếng nói trong cộng đồng (SEWA, 2021).

Giải pháp nâng tầm vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Mô hình "phụ nữ giúp phụ nữ" cùng nhau làm kinh tế

Bài học từ CBI là việc xây dựng năng lực toàn diện cho phụ nữ DTTS, không chỉ là năng lực kỹ thuật mà còn là kỹ năng mềm và khả năng lãnh đạo, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Mô hình SEWA cũng cho thấy việc thành lập các hợp tác xã và tổ chức do phụ nữ DTTS tự quản có thể tăng cường sự tham gia và quyền lực kinh tế của họ.

Giải pháp toàn diện nâng cao tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số

Để nâng cao tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số, theo nghiên cứu Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Một cách tiếp cận định tính, cần triển khai đồng bộ các nhóm biện pháp sau:

Nhóm biện pháp về chính sách và pháp luật: Hoàn thiện khung pháp lý đặc thù về quyền và sự tham gia của phụ nữ DTTS, bổ sung các điều khoản cụ thể trong Luật Bình đẳng giới và Luật Lao động. Xây dựng các quỹ hỗ trợ tín dụng riêng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và khuyến khích thành lập hợp tác xã do phụ nữ DTTS quản lý. Thúc đẩy lồng ghép giới trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, yêu cầu các chương trình, dự án phải có tiêu chí đánh giá về mức độ tham gia và lợi ích cụ thể cho phụ nữ DTTS.

Nhóm biện pháp nâng cao năng lực cho phụ nữ DTTS và miền núi: Tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý cộng đồng, quản trị kinh tế cho phụ nữ DTTS thông qua các chương trình xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa, và các lớp tập huấn kỹ năng tại cấp thôn bản, xã. Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng và thư viện tại chỗ, cung cấp tài liệu giáo dục song ngữ để phụ nữ dễ dàng tiếp cận kiến thức và thông tin.

Nhóm biện pháp tăng cường sự tham gia kinh tế thực chất: Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế do phụ nữ DTTS làm chủ như hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, du lịch cộng đồng, dệt thổ cẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ DTTS tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các dịch vụ tài chính từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng địa phương.

Nhóm biện pháp về văn hóa - xã hội: Nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ DTTS thông qua các chiến dịch truyền thông cộng đồng, xóa bỏ định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương và các tổ chức xã hội trong việc đại diện, hỗ trợ pháp lý và thúc đẩy phụ nữ DTTS tham gia vào các quyết định cộng đồng.

Nhóm biện pháp về giám sát, đánh giá và phản hồi chính sách: Thiết lập hệ thống giám sát và phản hồi cộng đồng độc lập có sự tham gia trực tiếp của phụ nữ DTTS, nhằm cung cấp thông tin minh bạch, trung thực về mức độ tham gia thực chất vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm