Truyền thông số: Đòn bẩy trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam

N.Minh
05/07/2025 - 18:32
Truyền thông số: Đòn bẩy trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam

Phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin

Cuộc cách mạng số đang định hình lại khả năng tiếp cận thông tin và nâng cao tiếng nói của hàng triệu phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trên khắp Việt Nam, từ bản làng hẻo lánh đến vùng sâu, vùng xa.

Sự chuyển mình mạnh mẽ trong tiếp cận thông tin

Truyền thông số đang dần thay thế các kênh truyền thông truyền thống như loa phát thanh hay họp thôn, mang đến sự linh hoạt và nhanh chóng trong việc truyền tải thông tin đến phụ nữ DTTS, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi. Các nền tảng như Zalo, Facebook, TikTok và Google ngày càng trở nên phổ biến, được ứng dụng rộng rãi trong các chương trình truyền thông cộng đồng tại nhiều địa phương trên cả nước. 

Nghiên cứu Tác động của truyền thông số đối với khả năng tiếp cận và phản hồi thông tin của phụ nữ DTTS ở Việt Nam hiện nay của PGS.TS. Phạm Hương Trà (Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), TS Lê Nguyễn Phương Thảo (Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Khoa học Huế) cho biết, mô hình nhóm Zalo tại xã Nà Khương (Hà Giang cũ), do Hội LHPN xã quản lý, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc truyền tải thông tin chính sách và dịch vụ công tới phụ nữ dân tộc Mông và Dao. Tại xã Tiên Nguyên (Hà Giang cũ), phụ nữ dân tộc Dao đã chủ động sử dụng mạng xã hội để mở rộng nguồn thông tin, phản ánh nhu cầu ngày càng cao đối với thông tin mang tính cá nhân hóa và phù hợp với bối cảnh địa phương.

Sự chuyển đổi tích cực này được thúc đẩy bởi sự cải thiện hạ tầng viễn thông, phổ cập điện thoại thông minh và nhu cầu làm chủ thông tin ngày càng tăng trong cộng đồng DTTS. Đến nay, hơn 8.600 tổ truyền thông cộng đồng đã được thiết lập trên cả nước, thu hút gần 370.000 lượt tiếp cận thông tin thông qua kết hợp các nền tảng số và tương tác trực tiếp. Các tổ này không chỉ cung cấp kiến thức về quyền phụ nữ, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới, mà còn đào tạo kỹ năng số cơ bản, góp phần tăng cường năng lực phản hồi và trao đổi thông tin giữa người dân và chính quyền.

Truyền thông số: Đòn bẩy trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 1.

Hội LHPN xã Nà Khương (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang (cũ) hỗ trợ hội viên, phụ nữ hoàn thiện các thủ tục, chính sách

Nhiều địa phương đã ghi nhận những kết quả ấn tượng. Tại huyện Bù Đăng (Bình Phước cũ), đến năm 2023, đã có 136 nhóm Zalo, 35 nhóm Facebook và 9 fanpage được thành lập, thu hút hơn 17.000 thành viên tham gia truyền thông cộng đồng. Lào Cai (cũ) cũng đạt được những thành tựu đáng kể với 100% Hội Phụ nữ cấp huyện thành lập trang tin trên mạng xã hội, duy trì khoảng 138 nhóm/trang Facebook và hơn 400 nhóm Zalo trên toàn tỉnh. Đặc biệt, tại bản Trang (huyện Bát Xát, Lào Cai (cũ), phụ nữ Dao đã chủ động sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu giá cả, kỹ thuật canh tác và thậm chí bán hàng qua mạng xã hội, bao gồm cả giao dịch xuyên biên giới.

Tác động đa chiều của truyền thông số

Truyền thông số đang định hình lại cách thức tiếp cận và tương tác thông tin của phụ nữ DTTS ở Việt Nam trên ba khía cạnh chính.

Thứ nhất, truyền thông số mở rộng cơ hội tiếp cận những thông tin quan trọng liên quan đến sinh kế, thủ tục hành chính, chính sách khuyến nông, bảo hiểm xã hội và phòng chống bạo lực gia đình. Các nền tảng mạng xã hội được Hội LHPN các địa phương sử dụng hiệu quả để truyền tải thông tin đến hội viên vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn, tại Hà Giang (cũ), hơn 2.200 sự kiện truyền thông đã được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, cùng 504 lớp tập huấn với hơn 21.700 lượt tham dự, tập trung vào nội dung nông nghiệp, an sinh xã hội và bình đẳng giới. Ở Tuyên Quang (cũ), các nhóm Zalo và Facebook giúp đảm bảo kết nối thông tin giữa chính quyền và cộng đồng DTTS, với tỷ lệ tiếp cận đạt 100%.

Thứ hai, truyền thông số thúc đẩy sự tương tác hai chiều, chuyển vai trò của phụ nữ DTTS từ vị trí thụ động tiếp nhận sang chủ động phản hồi và tham gia. Thông qua mạng xã hội, họ có thể trực tiếp đặt câu hỏi, gửi phản ánh và nhận phản hồi từ cán bộ địa phương. Tại xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang (cũ), các video truyền thông bằng tiếng Mông trên nền tảng số giúp phụ nữ dễ tiếp cận và tương tác, qua đó nâng cao hiểu biết chính sách, thu hẹp khoảng cách thông tin và tăng cường sự tham gia xã hội.

Thứ ba, các chương trình đào tạo kỹ năng số đã đóng vai trò quan trọng trong việc trao quyền và nâng cao năng lực sử dụng công nghệ của phụ nữ DTTS. Nhiều địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, xây dựng cửa hàng trực tuyến và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ hiệu quả cho phụ nữ khởi nghiệp, như tại Bắc Kạn. Bên cạnh đó, chính quyền tại Hà Giang và Nghệ An còn hỗ trợ thiết bị và hạ tầng mạng nhằm đảm bảo khả năng truy cập thông tin.

Những rào cản cần vượt qua

Mặc dù những tín hiệu tích cực là rõ ràng, nhưng vẫn còn nhiều rào cản hạn chế khả năng phụ nữ DTTS tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ số.

Đầu tiên là hạn chế về thiết bị và kỹ năng sử dụng. Phụ nữ DTTS, đặc biệt ở các hộ nghèo và khu vực miền núi, thường thiếu điều kiện sở hữu thiết bị thông minh và chưa được tiếp cận đào tạo kỹ năng số. Hạ tầng viễn thông kém đồng bộ cùng chi phí Internet cao tiếp tục hạn chế khả năng kết nối. Khảo sát của UN Women & ISDS (2021) cho biết dù 61,3% hộ dân tộc thiểu số đã kết nối Internet, việc tiếp cận và xử lý thông tin còn hạn chế do các yếu tố về ngôn ngữ, văn hóa và kỹ năng số. Nhiều phụ nữ chủ động sử dụng các công cụ tìm kiếm nhưng nội dung chủ yếu giới hạn ở các vấn đề đời sống hàng ngày, trong khi thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật và hành chính công ít được tiếp cận.

Truyền thông số: Đòn bẩy trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 2.

Hội LHPN xã Yên Thành (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang (cũ) tổ chức các buổi tập huấn để cung cấp kiến thức cho hội viên phụ nữ

Thứ hai là rào cản ngôn ngữ. Hạn chế về tiếng Việt, ngôn ngữ chính trên các nền tảng truyền thông và hành chính, khiến phụ nữ DTTS gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phản hồi thông tin, đặc biệt liên quan đến chính sách và thủ tục hành chính. Việc thiếu thông tin bản địa hóa dẫn đến tình trạng "vô hình truyền thông," khi người tiếp nhận tuy hiện diện nhưng không thể hiểu, phản hồi hoặc tương tác hiệu quả với thông điệp truyền thông.

Thứ ba là vấn đề về chất lượng nội dung trên các nền tảng truyền thông số. Nhiều nền tảng mạng xã hội phổ biến lại ưu tiên nội dung giải trí, thiếu kiểm chứng và chiều sâu. Tình trạng tin giả, thông tin sai lệch và nội dung không phù hợp đặc biệt gây rủi ro khi phụ nữ DTTS còn thiếu kỹ năng phân tích và xử lý thông tin.

Cần có sự vào cuộc đồng bộ 

Để truyền thông số thực sự trở thành công cụ trao quyền hiệu quả và bền vững cho phụ nữ DTTS, cần có sự vào cuộc đồng bộ và toàn diện của các bên liên quan.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cấp hạ tầng viễn thông và mở rộng kết nối Internet tại các vùng sâu, vùng xa, đồng thời hỗ trợ tài chính để phụ nữ DTTS tiếp cận thiết bị số. Cần tổ chức đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thiết thực (sinh kế, y tế, giáo dục), với nội dung dễ hiểu, trực quan, phù hợp với trình độ và ngữ cảnh văn hóa của từng nhóm dân tộc. Nội dung truyền thông số cần được đa dạng hóa, địa phương hóa, kết hợp đa ngôn ngữ và công cụ hỗ trợ tiếp cận như hình ảnh, biểu tượng, video minh họa. Ngoài ra, cần kiểm duyệt và định hướng nội dung số nhằm nâng cao chất lượng thông tin, giảm thiểu tin giả, đồng thời thúc đẩy nội dung giáo dục và nâng cao nhận thức.

Hội LHPN cần mở rộng quy mô và phạm vi các chương trình đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin cho phụ nữ DTTS, đặc biệt tại những địa phương còn gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ. Các lớp học nên lồng ghép nội dung về sử dụng thiết bị với các chính sách xã hội thiết thực, nhằm tăng cường năng lực phản hồi thông tin chính sách và nâng cao tính chủ động trong tương tác số. Ngoài ra, cần xây dựng các nhóm Zalo, Facebook chuyên biệt cho từng cộng đồng DTTS nhằm tạo ra các không gian trao đổi thông tin hai chiều hiệu quả, phù hợp với đặc thù văn hóa và ngôn ngữ từng vùng miền.

Các cơ quan báo chí và truyền thông, đặc biệt ở cấp địa phương, cần chủ động xây dựng và lan tỏa nội dung phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của phụ nữ DTTS, ưu tiên định dạng dễ tiếp cận như video ngắn, infographic song ngữ.

Các tổ chức xã hội và tổ chức phát triển quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và chuyên môn trong các chương trình truyền thông số dành cho phụ nữ DTTS. Các dự án nên được thiết kế theo hướng liên ngành, tích hợp đầu tư hạ tầng, đào tạo kỹ năng và nâng cao nhận thức về quyền tiếp cận thông tin và bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm