pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Giang: Cần mở rộng các hoạt động sinh kế gắn với chuyển đổi số

Hội LHPN xã Yên Thành tổ chức các buổi tập huấn để cung cấp kiến thức cho hội viên phụ nữ
Xã Yên Thành với 90% là người dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc Tày, Dao, Mông, La Chí. Theo chị Hoàng Thị Xuyển, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Thành, việc tiếp cận thông tin của phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Yên Thành gặp rất nhiều khó khăn. "Trình độ của phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận thông tin khá chậm. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ không biết tiếng phổ thông khá cao cũng là khó khăn lớn trong việc nắm bắt thông tin. Nhưng bất cập lớn nhất là có thôn vẫn chưa có điện lưới nên việc tuyên truyền thông tin thực sự không dễ dàng".

Hội LHPN xã Yên Thành ra mắt Chi hội số
Đây chính là trở ngại trong việc truyền tải các chính sách hay chủ chương tới hội viên, phụ nữ, chị Hoàng Thị Xuyển nhấn mạnh. Chính vì thế nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Yên Thành không biết đến các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế với đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách vay vốn… Họ gần như "mù thông tin" giữa thời đại công nghệ số.
Việc nghèo thông tin, theo chủ tịch Hội LHPN xã Yên Thành, còn do rào cản văn hóa. "Phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây thường gắn mình với vai trò nội trợ, ít giao tiếp ngoài xã hội, ngại va chạm với các hoạt động cộng đồng. Tâm lý "phụ nữ chỉ lo làm việc nhà" vẫn đè nặng trong nhiều gia đình.

Hội LHPN xã Yên Thành tổ chức nhiều hoạt động để các hội viên được tiếp cận nhiều thông tin hơn
Hệ lụy của tình trạng này là phụ nữ mất dần quyền tiếp cận các chương trình phát triển, không thể tự chủ kinh tế, và bị gạt ra ngoài lề các quyết sách trong gia đình. "Có không ít phụ nữ bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin nên ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Họ là nạn nhân của bất bình đẳng giới trong gia đình. Họ luôn nghĩ, nhiệm vụ chính của người phụ nữ là làm việc nhà, sinh con, chăm sóc chồng con. Vì không làm ra kinh tế nên họ không có tiếng nói trong gia đình", chị Hoàng Thị Xuyển cho biết.
Trước thực tế đó, Hội LHPN xã Yên Thành đã tổ chức nhiều hoạt động để các hội viên được tiếp cận nhiều thông tin hơn. "Hội LHPN xã Yên Thành đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với hội viên phụ nữ để lắng nghe ý kiến tâm tư của chị em nhiều hơn. Chúng tôi cũng chủ động xây dựng các nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để chị em có thể nghe và hiểu thông tin rõ ràng hơn. Đặc biệt, chúng tôi thành lập chi hội số để kịp thời đăng tải hay gửi nội dung tuyên truyền để chị em kịp thời nắm bắt và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Việc giúp chị em tiếp cận các chương trình dự án và vốn vay cũng là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó giúp chị em tự chủ được kinh tế và sẽ có tiếng nói hơn trong gia đình", chủ tịch Hội LHPN xã Yên Thành nói.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Yên Thành tham gia tiết mục văn nghệ tại Đêm Giao lưu văn nghệ
Từ thực tiễn tại địa phương, theo chị Hoàng Thị Xuyển, để hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin, cần mở rộng các hoạt động sinh kế gắn với chuyển đổi số, như hướng dẫn bán hàng online, sử dụng mạng xã hội, và tiếp cận chính sách qua nền tảng số. "Hiện tại, Hội LHPN xã Yên Thành đã thành lập chi hội số với 37 hội viên tham gia. Tôi nghĩ rằng, các mô hình như Tổ phụ nữ công nghệ số, Phiên chợ thông tin… rất cần thiết ở các xã miền núi. Việc chị em được tiếp cận công nghệ để nâng cao năng lực, nâng cao vị thế của chính mình là rất quan trọng và thiết yếu", chị Hoàng Thị Xuyển nhấn mạnh.