pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN thị trấn Yên Bình: "Cầu nối số" gắn kết hội viên, lan tỏa tri thức

Truyền thông, phổ biến kiến thức đến hội viên, phụ nữ ở thị trấn Yên Bình
Hành trình "số hóa" truyền thông
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội, việc phổ biến thông tin đến hội viên phụ nữ tại các địa phương miền núi như Yên Bình không còn là câu chuyện chỉ nằm ở những buổi sinh hoạt chi hội hay phát loa truyền thanh.
Với tư duy đổi mới và tinh thần không ngại khó, Hội LHPN thị trấn Yên Bình đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT trên nhiều nền tảng để kịp thời lan tỏa thông tin chính thống, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, cũng như hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hội LHPN thị trấn Yên Bình tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho các hội viên, phụ nữ
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Yên Bình Hoàng Thị Tâm chia sẻ: "Chúng tôi đã thiết lập các kênh thông tin số như Trang thông tin điện tử của thị trấn, mạng xã hội Facebook của Hội, các nhóm Zalo để thông báo nhanh chóng tình hình hoạt động Hội, phổ biến kiến thức đến từng hội viên - kể cả người đi làm ăn xa".
Bên cạnh việc truyền thông qua mạng xã hội, Hội LHPN thị trấn Yên Bình còn tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến, hội thảo thông qua trình chiếu PowerPoint bằng máy chiếu hoặc tivi; hướng dẫn hội viên sử dụng mã QR để tiếp cận phần mềm, tài liệu số; và dùng điện thoại thông minh để tư vấn trực tuyến, cập nhật các chương trình hỗ trợ phụ nữ.
Một trong những điểm sáng đặc biệt trong mô hình ứng dụng CNTT của Hội LHPN thị trấn Yên Bình là việc thành lập các chi hội số tại thôn, tổ dân phố - nơi kết nối các hội viên đang sinh sống, làm việc xa quê với hoạt động của Hội tại địa phương. Nhờ vậy, khoảng cách địa lý không còn là rào cản khi phụ nữ có thể tham gia sinh hoạt, nắm bắt thông tin, chia sẻ ý kiến và hỗ trợ lẫn nhau từ bất cứ đâu.
Hội LHPN thị trấn Yên Bình cũng tổ chức các lớp học ngắn hạn, câu lạc bộ hỗ trợ công nghệ cho phụ nữ lớn tuổi và dân tộc thiểu số - những đối tượng dễ bị "bỏ lại phía sau" trong chuyển đổi số. Chị Hoàng Thị Tâm cho biết, tài liệu hướng dẫn được biên soạn bằng tiếng địa phương, kèm hình ảnh minh họa sinh động, dễ hiểu. Các buổi họp xóm, sinh hoạt Hội trở thành dịp để chị em cùng nhau học cách dùng điện thoại, truy cập mạng xã hội, tra cứu thông tin thiết thực phục vụ đời sống.

Chị Hoàng Thị Tâm (thứ 2 từ trái sang, hàng đầu) trao quà cho các hội viên, phụ nữ
Không dừng lại ở đó, Hội LHPN thị trấn Yên Bình còn tích cực vận động doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị và đường truyền Internet cho các vùng khó khăn, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo được tiếp cận công nghệ.
Những tác động tích cực từ truyền thông số
Qua nền tảng CNTT, nội dung được Hội LHPN thị trấn Yên Bình truyền tải rất phong phú và gần gũi: từ kiến thức pháp luật (luật hôn nhân và gia đình, phòng chống tảo hôn, bình đẳng giới...), chăm sóc sức khỏe (phòng bệnh, dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản), đến kỹ năng sống (quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp), và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp (phòng dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi).
Theo chị Hoàng Thị Tâm, không ít hội viên đã chủ động học hỏi kiến thức mới từ điện thoại thông minh, trao đổi kinh nghiệm trên nhóm Zalo, hay đơn giản là gửi một tin nhắn hỏi thăm để bắt đầu cuộc trò chuyện chia sẻ, động viên lẫn nhau. "Việc ứng dụng CNTT đã giúp nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp và tính tự tin cho hội viên, đặc biệt là những chị em từng e ngại, ít tham gia hoạt động xã hội", chị Hoàng Thị Tâm nhận định.

Phụ nữ thị trấn Yên Bình được hỗ trợ để phát triển sản xuất
Minh chứng rõ nét cho những thay đổi tích cực là trường hợp của chị Hoàng Thị Hoa, hội viên phụ nữ tại tổ dân phố số 1, thị trấn Yên Bình. Gia đình khó khăn, chị Hoa phải rời quê đi làm công nhân tại tỉnh Hải Dương. Dẫu xa quê, nhờ những nhóm Zalo do Hội lập ra, chị vẫn được cập nhật thông tin về hoạt động Hội, nắm bắt kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con từ xa và kết nối với cộng đồng phụ nữ quê nhà.
Tại một buổi gặp mặt hội viên đi làm xa do Hội LHPN thị trấn tổ chức, chị Hoa chia sẻ đầy xúc động:"Công nghệ thông tin đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn, học được cách chăm sóc bản thân và gia đình, đồng thời kết nối với nhiều chị em khác. Những giờ nghỉ giữa ca, tôi lại mở điện thoại để đọc tin từ Hội, xem video về kỹ năng sống, học thêm điều hay lẽ phải".
Chính nhờ những công cụ kỹ thuật số ấy, chị Hoa đã thêm tự tin, biết bảo vệ quyền lợi bản thân và không còn cảm thấy bị cô lập nơi đất khách. Những chương trình truyền cảm hứng từ Hội, các hoạt động văn hóa - thể thao ở quê nhà cũng trở nên gần gũi và ấm áp hơn bao giờ hết, dù chị chỉ xem qua chiếc điện thoại của mình.